1. Có những thời điểm ông Đoàn Nguyên Đức còn là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, doanh nhân đất Bình Định đã phải nhường vị trí đó cho ông chủ của Tập đoàn VinGroup, Phạm Nhật Vượng.
Nhưng khi nghe bầu Đức giới thiệu về những dự án của HAGL như nuôi bò, trồng mía hay đầu tư sang Myanmar, người ta vẫn thấy tương lai của Tập đoàn này là rất tươi sáng.
Bởi thế khi thông tin HAGL nợ lương cầu thủ và nhân viên lọt ra ngoài, nó mới khiến dư luận giật mình hóa ra bầu Đức đang khó khăn về tài chính.
Bản thân Trưởng đoàn bóng đá HAGL – Nguyễn Tấn Anh cũng phải thừa nhận tập đoàn đang “hắt hơi, sổ mũi”.
Trên thực tế, nếu là một người để ý những diễn biến trên thị trường tài chính, ngân hàng thì người ta sẽ không phải quá bất ngờ về điều này.
Khi mà liên tục xuất hiện thông tin các ngân hàng phải bán giải chấp cổ phiếu của Tập đoàn này. Về bản chất đây giống như một hành động siết nợ với HAGL.
2. Câu chuyện của HAGL cho thấy trong kinh doanh luôn tồn tại những rủi ro và nguy cơ nhất định. Chẳng có cú "áp phe" nào là chắc ăn. Bất kì công ty nào, dù quy mô hoành tráng đến đâu cũng hoàn toàn có thể có những thời điểm khốn khó.
Quy luật tất yếu của thị trường ấy lại chính là một lời cảnh báo dành cho VFF về viễn cảnh V-League có thể sụp đổ bất kì lúc nào. Tại sao lại nói vậy?
Đơn giản bởi cho đến lúc này sau hơn 15 năm khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp (từ mùa giải 2000-2001), VFF vẫn đang bất lực trong việc tạo ra một nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa.
Định nghĩa thế nào là thể thao chuyên nghiệp tương đối phức tạp. Nhưng hiểu nôm na yêu cầu tiên quyết của bất kì môn thể thao chuyên nghiệp nào là phải đảm bảo khả năng tự nuôi sống bản thân.
Ở đây là bóng đá phải tự nuôi sống được bóng đá. Một CLB sẽ vận hành và phát triển dựa trên chính doanh thu về tài chính do nó tạo ra.
Nhưng các CLB bóng đá nước ta thì chưa bao giờ là cỗ máy tạo ra tiền. Ngược lại nó lại là một cỗ máy đốt tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Từ trước đến nay tất cả các đội bóng V-League đều phụ thuộc gần như tuyệt đối vào bầu sữa của các ông chủ.
Khả năng tạo ra doanh thu từ các nguồn khác như tài trợ thương mại, bán vé, bán sản phẩm lưu niệm…đều rất hạn chế.
Điều đó đồng nghĩa là khi các doanh nghiệp đứng đằng sau các đội bóng gặp khó khăn về tài chính thì nghiễm nhiên các CLB cũng rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở”.
Cần phải lưu ý rằng, Hoàng Anh Gia Lai chính là một trong những đội bóng có khả năng tự chủ vào loại tốt nhất ở V-League hiện nay.
Họ có một lượng fan hùng hậu, có một nhà tài trợ đúng nghĩa (không phải là chủ sở hữu hay gắn tên) với bản hợp đồng có giá trị tới 15 tỉ/năm (với Nutifood).
Ấy vậy mà, khi ông chủ Đoàn Nguyên Đức gặp sự cố, đội bóng đã lập tức rơi vào cảnh chẳng có tiền trả lương – một trong những yêu cầu tối thiểu để duy trì hoạt động.
Vậy thì chắc chắn nếu các CLB khác ở V-League rơi vào hoàn cảnh tương tự thì mọi chuyện sẽ còn thảm hại hơn rất nhiều. Có lẽ câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở nợ lương.
Rõ ràng, sự sụp đổ của cả một nền bóng đá phụ thuộc vào túi tiền của các doanh nhân là một nguy cơ có thật.
Đến bầu Đức và HAGL còn có lúc suy thoái, thì chẳng có lí do gì các doanh nghiệp khác không có ngày mật vận, kèm theo sự “rút ống thở” cho cả một đội bóng.
Vấn đề nằm ở chỗ liệu VFF có đủ năng lực để tạo ra một cuộc cách mạng trong môi trường V-League? Hay họ sẽ chỉ biết bị động cầu khấn cho những con người như bầu Đức sẽ luôn làm ăn phát đạt để điều tồi tệ nhất không xảy ra?
Và nếu VFF có khoán trắng sự sống còn của nền bóng đá cho năng lực tài chính của các ông bầu thì cũng chẳng có điều gì đáng ngạc nhiên.
Bởi thật ra, từ trước đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn vận hành như thế. Phát triển dựa vào tâm, tầm của những con người như bầu Đức, chứ không phải từ cơ quan quản lý!