Hà Nội lụt và câu chuyện bóng đá Việt Nam

Sơn Tùng |

(Soha.vn) - Với một nền bóng đá còn nhiều bất cập, chuyện VN có thể vươn ra tầm châu lục là điều bị hoài nghi. Và có lẽ phải đợi từ từ, giống như việc thoát nước mỗi khi mưa bão ở Hà Nội.

Những ngày gần đây, người dân ở Hà Nội lại khổ vì ngập lụt. Ai đó lạc quan có thể thấy rằng năm nay nước rút xuống nhanh, một số khác thì cho rằng “Hà Lội” vẫn là “Hà Lội”. Tức là từ đợt lụt lịch sử năm 2008 cho tới nay, người dân Hà Nội vẫn không thoát được tình trạng ngập úng mỗi khi mưa bão. 5 năm là một khoảng thời gian không dài, nhưng cũng không quá ngắn cho việc tu bổ các công trình thoát nước ở Hà Nội cho dân đỡ khổ. Nhưng như ai đó đã nói “Hà Lội không vội được đâu”, ngập vẫn hoàn ngập.

Từ chuyện ngập lụt, người ta chợt nhớ tới nền bóng đá nước nhà, vốn được cho là ở vùng trũng của bóng đá thế giới.

	Ký ức về chức vô địch AFF Cup năm 2008

Ký ức về chức vô địch AFF Cup năm 2008

Năm 2008, khi ĐT Việt Nam đánh bại Thái Lan để vô địch AFF Cup, một vị nào đó đã đặt mục tiêu cho bóng đá nước nhà đã đến lúc thoát khỏi “ao làng” Đông Nam Á để vươn ra “biển lớn” châu Á. Nhưng 5 năm đã qua, Việt Nam vẫn ì ạch chưa thoát ra khỏi cái “ao” đấy. Đáng buồn hơn, trong BXH của FIFA tháng Tám, Việt Nam xếp thứ 4 ở Đông Nam Á và bị người Thái bỏ xa. Ở BXH tháng 7, Việt Nam cũng chỉ xếp ở vị trí thứ 3 ở Đông Nam Á và vẫn kém người Thái. BXH của FIFA cũng chỉ phản ánh một mặt của bóng đá Việt Nam . Để hiểu rõ hơn, người ta phải nhìn cận cảnh vào nền bóng đá đó.

V-League, giải đấu đã được lên chuyên nghiệp từ lâu mà cho tới nay vẫn bị người ta gọi là “thiếu chuyên nghiệp”. Khi VPF tiếp quản giải đấu, những tưởng V-League sẽ có những cú đột phá, tuy nhiên thay vào đó là những sự thất vọng. Vụ “bàn thắng ma” mới đây là một trong những bức màn xám xịt của V-League. Ở đó người ta thấy được lòng tin vào sự chính xác, công bằng ở V-League đã trở nên mong manh khi mà sau trận đấu, ông Trần Duy Ly - Trưởng Ban tổ chức giải đã công khai trên báo Thanh Niên rằng trọng tài bắt sai và đưa ra mức phạt cho các trọng tài nhưng chưa đầy 24 giờ sau ông lại phủ nhận điều này.

	Thanh Hóa quyết làm căng vụ

Thanh Hóa quyết làm căng vụ "bàn thắng ma"

Còn nhớ hồi tháng Sáu, vì nghi ngờ vào sự công tâm của trọng tài Trần Trung Hiếu, Chủ tịch CLB Bình Dương Nguyễn Minh Sơn còn đưa ra “sáng kiến”: Ký biên bản xin thua.

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn chưa quên được việc VPF đề nghị cho U22 Việt Nam tham dự V-League và không có đội bóng nào phải xuống hạng (!). Những giải pháp tình thế đó đã bị nhiều đội bóng chỉ trích gay gắt kèm theo cả sự nghi ngờ về năng lực điều hành giải đấu.

V-League là vậy, ĐTQG cũng khiến người ta buồn lòng. Từ sau chức vô địch AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam không thể tiếp tục bước tiến của mình nếu không muốn nói là tụt dốc. Sau khi đăng quang ở AFF Cup, ĐT Việt Nam đã tụt xuống ở AFF Cup 2010 khi chỉ đạt hạng ba. Vẫn là giải đấu ấy, nhưng 2 năm sau, ĐT Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng bảng. Khi lí giải thất bại của ĐT Việt Nam , người ta lại đổ sang cho V-League, nơi mà những cầu thủ trẻ ít được trao cơ hội và nhiều sự yếu kém nữa, chẳng kém lúc phơi bày nguyên nhân tình trạng ngập úng.

Với một nền bóng đá còn bất cập như vậy thì chuyện vươn ra tầm châu lục là điều bị hoài nghi. Và có lẽ cứ phải đợi từ từ, giống như chuyện thoát nước mỗi khi mưa bão ở Hà Nội.

*Trên đây là bài viết của độc giả Sơn Tùng chia sẻ quan điểm về sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong những năm qua. .

*Bạn đọc có thể gửi ý kiến và góc nhìn cá nhân về tòa soạn theo địa chỉ email: [email protected] hoặc đóng góp ở phần comment cuối bài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại