Lời tòa soạn: Bóng đá Việt Nam đang chuyển động với rất nhiều sự kiện sôi nổi, khó lường.
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn đa chiều nhất về nền túc cầu nước nhà, chúng tôi hợp tác với các chuyên gia hàng đầu để lên tuyến bài CHÊ & KHEN bóng đá Việt Nam.
Vào mỗi sáng thứ Sáu đầu tuần, chúng tôi sẽ gửi tới độc giả loạt bài KHEN dưới góc nhìn của chuyên gia để thấy rõ những việc tốt, những thành tựu của túc cầu ở dải đất hình chữ S.
Loạt bài Chê bóng đá Việt Nam sẽ được gửi tới độc giả vào sáng thứ Hai với mục đích chỉ ra các điểm chưa được, hòng góp phần thúc đẩy sự phát triển bóng đá Việt. Trân trọng!
>>> Góc chê Lê Thụy Hải: U21 Việt Nam đụng HAGL thì... “ra bã”?
Phạm Minh Đức là truyền nhân của Lê Thụy Hải
HLV Mai Đức Chung nhận xét về người đồng nghiệp trẻ tuổi: “Kinh nghiệm cầm quân của Minh Đức có thể chưa dày nhưng cậu ta biết cách áp đặt cái tôi của mình lên tập thể, xây dựng được một đội bóng luôn thi đấu bằng khát khao và quyết tâm lớn nhất”.
Tuy U21 Việt Nam đã thất bại trước U21 HAGL trong trận bán kết giải U21 quốc tế nhưng HLV Mai Đức Chung cho rằng, không nên vì lý do này để phủ nhận khả năng của HLV Phạm Minh Đức.
Ông Chung nói: “Đây mới là giải đấu quốc tế đầu tiên của Minh Đức trên cương vị HLV trưởng. Thất bại của U21 Việt Nam chỉ là kém may, còn thực tế cậu ta đã làm được rất nhiều việc”.
Theo HLV Mai Đức Chung, cách nhập cuộc và lối chơi của U21 Việt Nam trong trận bán kết gặp U21 HAGL phản ánh rất rõ tư tưởng đôi công, sòng phẳng, chứ không phải “tử thủ” hay “chém đinh, chặt sắt” như nhiều nhận định trước giờ bóng lăn.
“Cách sử dụng con người, đấu pháp linh hoạt của Minh Đức khi chạm trán từng đối thủ cụ thể cũng giống hệt như khi cậu ta còn là cầu thủ. Đó là sự tinh quái và khôn ngoan”.
Về những phát ngôn gây sốc của HLV Phạm Minh Đức trong thời gian qua, HLV Mai Đức Chung đánh giá: “Điều này thuộc về cá tính của mỗi người.
Minh Đức có cá tính rất mạnh nên nghĩ gì nói nấy. Riêng điểm này tôi thấy cậu ta đặc biệt tương đồng với anh Lê Thụy Hải”.
Khen HAGL để làm gì?
HLV Mai Đức Chung đặt ngược lại câu hỏi với phóng viên về chiến thắng của Công Phượng cùng đồng đội.
Ông tâm sự: “Chúng ta đã nói quá nhiều về các cháu. Thứ bóng đá họ theo đuổi quả rất hấp dẫn và rất dễ đi vào lòng người.
Chiến thắng của U21 HAGL trước U21 Việt Nam theo tôi cũng xứng đáng thôi vì họ đã kiên cường bám đuổi đến phút cuối cùng”.
HLV Miura có toàn quyền tuyển chọn nhân sự
Một vấn đề cũng thu hút sự quan tâm của dư luận vài ngày qua là bản danh sách triệu tập U23 Việt Nam được VFF công bố. Nhiều ý kiến cho rằng, HLV Miura đã bỏ sót những gương mặt tài năng như Xuân Trường, Xuân Nam hay Võ Lý…
Khi được hỏi về vấn đề này, HLV Mai Đức Chung cho biết: “Ở bất kỳ nền bóng đá nào, tuyển chọn cầu thủ là công việc chuyên môn của HLV trưởng. Tất nhiên bản danh sách nào cũng sẽ đi kèm nhiều ý kiến khác nhau.
Tuy vậy, HLV Miura làm gì trong phạm vi công việc của mình là quyền hạn và trách nhiệm của ông ta. VFF hay Hội đồng HLV Quốc gia cũng không thể và không nên can thiệp”.
Theo nhà cầm quân người Hà Nội, HLV Miura chịu trách nhiệm về thành tích thi đấu của các đội tuyển bóng đá Việt Nam nên biết cần phải làm gì, triệu tập những ai để đạt được mục tiêu này.
Trong trường hợp HLV Miura không đạt được mục tiêu đề ra, phán xét cũng chưa muộn.
“Việc can thiệp quá sâu vào công việc của một HLV đến từ nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục sẽ rất dễ khiến bóng đá Việt Nam bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp”, HLV Mai Đức Chung nói.
Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia không phải là “bù nhìn”
Trong thời gian qua, một số ý kiến chỉ trích Hội đồng HLV Quốc gia chỉ như một ban bệ “hữu danh vô thực” của VFF. Nhưng HLV Mai Đức Chung - với tư cách một thành viên của Hội đồng HLV QG - phản biện:
“Những người chỉ trích liệu có biết chúng tôi đã làm gì hay chỉ nói cho sướng miệng. Trên thực tế, Hội đồng HLV QG đã hoạt động rất tích cực trong thời gian qua.
Chẳng hạn, tư vấn về việc tuyển chọn nhân sự cho U23 Việt Nam bằng việc theo dõi, xây dựng bản danh sách các cầu thủ trẻ giàu triển vọng để HLV Miura lựa chọn.
Trước, trong và sau mỗi giải đấu, chúng tôi cũng thường xuyên đưa ra những ý kiến phản biện về những mặt được và chưa được của các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, HLV Miura đã tiếp nhận những góp ý này bằng tinh thần hết sức cầu thị”.
Một thông tin được HLV Mai Đức Chung chia sẻ, HLV Lê Huỳnh Đức là gương mặt mới nhất vừa được bổ sung vào Hội đồng HLV QG.
Sự xuất hiện của cựu danh thủ tài năng và cá tính này cũng là một dấu hiệu đảm bảo cho sự hoạt động thực chất của Hội đồng HLV QG trong thời gian tới.
Cầu thủ kiếm được càng nhiều tiền càng tốt
Với mức phí lót tay 6 tỷ đồng/3 mùa chưa kể lương, thưởng, vụ chuyển nhượng tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh từ SLNA về Thanh Hóa hiện đang đứng ở vị trí số một trên thị trường cầu thủ trước thềm mùa giải 2016.
Khi được hỏi về vấn đề này, HLV Lê Thụy Hải bày tỏ quan điểm ủng hộ: “Đời cầu thủ ngắn lắm. Sau này nghỉ đá bóng là phải làm lại từ đầu, không tranh thủ kiếm vào lúc này thì tranh thủ vào lúc nào?”
Thế nên, theo ông Hải “lơ”, cầu thủ càng kiếm được nhiều tiền khi vẫn đang đá bóng là điều tốt không chỉ cho cá nhân họ mà còn cả với bóng đá Việt Nam.
“Cầu thủ phải chuyển từ CLB khiêm tốn đến CLB cạnh tranh vô địch, từ CLB trả ít tiền đến CLB trả nhiều tiền, thế mới là bóng đá chuyên nghiệp. Hoàng Thịnh mà đi thì SLNA sớm muộn cũng sẽ có người khác thế chỗ, thế mới có tính nhà nghề”, HLV Lê Thụy Hải ví von.
Đồng quan điểm với HLV Lê Thụy Hải, HLV Nguyễn Thành Vinh cũng cho rằng, việc cầu thủ hưởng chế độ ra sao tùy thuộc vào mặt bằng của nền bóng đá, quy luật cung-cầu trên thị trường, chứ họ không tự quyết định được giá trị của mình.
Nhà cầm quân xứ Nghệ chia sẻ: “Khi tôi hãy còn làm bóng đá vài năm trước, giá cầu thủ cao hơn bây giờ. Còn lúc này, thị trường chuyển nhượng tương đối đúng với giá trị thực của các cầu thủ.
Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư làm bóng đá chẳng có ai khờ khạo cả. Họ trả cho cầu thủ mức giá cao thì đằng sau đấy là rất nhiều lợi ích khác mà giới bóng banh chúng ta cũng khó hình dung hết”.