1. Trang web thống kê danh tiếng Opta vừa mang đến cho những NHM Man United một bất ngờ đắng ngắt: Quỷ đỏ chính là CLB thực hiện nhiều đường chuyền dài thứ nhì Premier League mùa này.
Tính đến hết vòng 20, Man United đã chuyền dài tổng cộng 1.087 đường, đạt hiệu suất trung bình 77 đường chuyền dài/trận.
Chuyền dài thì có vấn đề gì? Hãy thử xem 4 CLB chuyền dài nhiều nhất Premier League mùa này là những đội bóng nào: 1. Burnley (1102 đường chuyền) 2. Man United (1087) 3. Southampton (1039) 4. West Brom (967).
Quá dễ để nhận ra, chuyền dài vốn dĩ không phải lối chơi ưa thích của những ông lớn.
Carrick là một trong số ít cầu thủ của Man United có khả năng giữ và chuyền bóng tốt
Trong khi Man United trung bình mỗi trận chuyền dài tới 77 đường thì Chelsea chỉ thực hiện 59 đường chuyền dài, Man City là 51.
Thử nhìn rộng ra cả châu Âu. Bộ đôi đang thống trị La Liga Real Madrid và Barcelona hầu như chỉ chuyền ngắn.
Độ dài trung bình của những đường chuyền 2 CLB này thực hiện chỉ là 17 mét, trong khi đó, độ dài mỗi đường chuyền của Man United lên tới… 40 mét. Ở Bundesliga, Bayern Munich chỉ chuyền ở cự ly khoảng 18m. Ở Serie A, Juventus chuyền ở độ dài 17,27m.
Tại World Cup 2014 vừa qua, Brazil là "vua chuyền dài". Họ hầu như bỏ trống tuyến giữa, sử dụng những đường chuyền thẳng từ phần sân nhà lên vị trí của các tiền đạo. Số phận Selecao ra sao chắc độc giả đã rõ.
2. Về mặt logic, chuyền ngắn giúp cho một CLB dễ dàng kiểm soát thế trận hơn rất nhiều so với chuyền dài.
Những Chelsea, Barca, Real, Bayern… khi cần giữ nhịp độ trận đấu, đều chuyền ngắn nhiều và họ dễ dàng khiến đối phương không thể chơi bóng như mong muốn.
Vậy tại sao Man United không chuyền ngắn như các ông lớn khác? Có vẻ như, thói quen chuyền dài đã tố giác một điểm yếu chết người của Quỷ đỏ: Họ thiếu đi những cầu thủ có khả năng giữ bóng tốt.
Muốn chuyền ngắn không khó, nhưng để chuyền ngắn thành công, mọi vị trí trên sân đều phải có trình độ ngang bằng nhau.
Nhưng ở Man United lúc này, có vẻ như chỉ có vài cầu thủ ở đẳng cấp thế giới và đa phần nhóm cầu thủ này tập trung ở tuyến trên.
Di Maria nhiều lúc gặp khó với những đường chuyền dài
Như vậy có nghĩa là để những Rooney, Van Persie, Di Maria có bóng, các hậu vệ phải nhắm mắt phất thẳng trái bóng sang phần sân đối phương, thay vì chuyền bóng vào giữa sân rồi từ giữa sân phát triển.
Ở đây xin chỉ ra cụ thể: Hàng thủ của Man United không có bất kỳ cầu thủ nào có thể cầm bóng cỡ như Rio Ferdinand ngày xưa. Những McNair, Smalling, Evans hay thậm chí cả Phil Jones đều luống cuống như những chú bé học việc.
Gần 200 triệu euro đã bị Van Gaal thiêu trên thị trường chuyển nhượng, nhưng giống hệt như câu mà chính Ryan Giggs từng nói: Tiền mua được cầu thủ, không mua được bản sắc.
Man United chỉ như đang sử dụng những cá nhân kiệt xuất trên sân chứ không phải một tập thể kiệt xuất, và vì lý do đó, câu chuyện bản sắc của Quỷ đỏ xem ra còn phải chờ ít nhất là sau khi mùa bóng này kết thúc mới có kết luận cuối cùng.
Chỉ buồn cho những NHM Man United. Họ phải chứng kiến một CLB lớn sử dụng lối chơi của những đội bóng nhỏ.