Đến tận bây giờ, những lời nói ngày xưa của cây bút một thời lừng lẫy ấy vẫn đúng với bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại. Nhiều đội bóng xem giải đấu này như là của nợ, càng vào sâu thì càng ngán ngại. Nhà tài trợ thì ngó lơ, trong khi đó các giải thưởng cũng không thực sự hấp dẫn.
Chính vì những nguyên nhân trên đã khiến Cúp Quốc gia - dù chỉ đứng sau V-League về mặt thương hiệu, nhưng lại chẳng ai ngó ngàng tới. Chiếc cúp ấy mà biết nói năng thì chắc nó sẽ không tiếc lời ca thán và muốn được giải thoát càng nhanh càng tốt.
Tâm lý của các đội bóng ở V-League thường là “đá cho xong” nhiệm vụ. Những đội bóng yếu thì chỉ tập trung các cầu thủ tốt nhất cho giải VĐQG và mang những cầu thủ trẻ hiếm khi ra sân đưa vào đá Cúp Quốc gia. Trong khi đó, những đội bóng mạnh thì cũng chơi theo kiểu “tới đâu hay tới đó” và sẵn sàng “buông” bất cứ lúc nào.
Các CLB đều muốn lảng tránh Cúp Quốc Gia
V-League mà còn vậy, huống hồ chi các đội bóng ở giải hạng Nhất. Trong suốt chiều dài lịch sử của giải đấu, có vô số câu chuyện bi hài quanh chiếc cúp này. Nhiều đội “sợ” luôn cả việc…vô địch vì ngại tham gia các giải châu lục tốn kém nhiều chi phí, gây ảnh hưởng đến mặt trận trong nước.
Đến hẹn lại lên, quả bóng Cúp Quốc gia sẽ lăn trên các sân cỏ cả nước từ ngày 8/3 này. Nhưng nếu nhìn vào 5 cặp đấu ở vòng sơ loại, có lẽ nhiều người sẽ lại ngán ngẩm. May ra thì chỉ có trận đấu với sự hiện diện của “đại gia” V-League Becamex Bình Dương là đáng xem. Mà chắc gì đội bóng đất Thủ sẽ bung hết sức?
Có lẽ, số phận của giải đấu này vẫn không khác những năm trước. Thử hỏi, đến bao giờ thì chiếc cúp ấy mới được nâng niu và trân trọng, hay lại tiếp tục mang phận “con ghẻ” trên cuộc hành trình mòn mỏi đi tìm sự khẳng định.