Góc chê: Có một cái làng Vũ Đại và rất nhiều Chí Phèo

Thu Minh |

Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng bóng đá Việt Nam đang giống như cái làng Vũ Đại, trong đó nhiều người là Chí Phèo thích chửi đổng.

LTS: Chuyên mục Khen - Chê Bóng đá Việt Nam xuất hiện vào sáng thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, với ý kiến bình luận của các chuyên gia hàng đầu.

Mục đích của chúng tôi nhằm mang đến cái nhìn khác biệt, đa chiều xung quanh các sự kiện diễn ra trên sân cỏ trong nước.

Quý độc giả cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến trong phần bình luận để chung tay xây dựng nền bóng đá Việt Nam.

Nền bóng đá của những người “vừa đi, vừa chửi”

Với thâm niên hàng chục năm theo dõi thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng, nhà báo Nguyễn Lưu mở đầu cuộc trao đổi cùng phóng viên bằng tâm sự:

“Nền bóng đá của chúng ta mấy chục năm qua liệu có cái gì được gọi là bền vững?

Chức vô địch AFF Cup 2008 mang đậm dấu ấn của may mắn, hay một vài giải đấu quốc tế coi được của bóng đá Việt Nam không phải và không nên là thước đo để đánh giá về cái gọi là “đẳng cấp”.

Trình độ yếu kém của chúng ta vừa mang ý nghĩa tổng thể của cái chung, vừa mang ý nghĩa cụ thể của các thành phần tham gia vào nền bóng đá”.

Nhà báo Nguyễn Lưu (trái) là người am hiểu tường tận về thể thao và bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thể thao&Văn hóa
Nhà báo Nguyễn Lưu (trái) là người am hiểu tường tận về thể thao và bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thể thao&Văn hóa

Chính vì lý do này, nhà báo Nguyễn Lưu thẳng thừng bày tỏ sự bất bình trước việc HLV Miura liên tục bị “ném đá” bởi các HLV, chuyên gia bóng đá trong nước:

“Tôi có thể kể vanh vách về lý lịch của các anh HLV, các anh chuyên gia bóng đá từ thời họ còn thi đấu.

Xin hỏi nhiều vị HLV, chuyên gia đang lên tiếng chê bai ông Miura, ai trong các vị là trọn vẹn? Hay các vị cũng chỉ là các anh nay đây mai đó, thỉ thoảng mới có chút thành công tạm thời mà thôi?

Nếu trình độ của các HLV, chuyên gia ta mà tốt thế, bóng đá Việt Nam chắc đã “lên đời” từ lâu rồi. Thực tế đội tuyển từng được giao cho các anh HLV nội đó, kết quả ra sao?”.

Theo nhà báo lão thành của làng thể thao Việt Nam, ông hiếm khi đọc được những chỉ trích có tính thuyết phục nhắm vào HLV Miura, thay vào đó, đa phần là những ý kiến để thể hiện cái tôi của người nói nhiều hơn.

Ông Nguyễn Lưu tâm sự:

"Có anh lúc nào cũng lấy tiếng là cựu danh thủ, nhưng suốt sự nghiệp có bao giờ được lên ĐTQG đâu.

Có ông ngồi ghế HLV tạm quyền vài tháng của một tên tuổi lẫy lừng trong quá khứ, giờ cũng được gắn mác là cựu HLV tuyển nọ, tuyển kia.

Thế mà đồng loạt lên tiếng chê bai, bới móc người ta, cốt để khoe mẽ bản thân mình.

Tại sao họ không thử nhìn sang Thái Lan xem nhỉ, vua khu vực đấy, tiền - tài như nước mà cũng thua thảm ở VCK U23 châu Á vừa rồi, nói chi Việt Nam”.

Làm việc tại Việt Nam, HLV Miura đã đối diện với rất nhiều sự chỉ trích và phán xét thiếu khách quan, công bằng.
Làm việc tại Việt Nam, HLV Miura đã đối diện với rất nhiều sự chỉ trích và phán xét thiếu khách quan, công bằng.

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Lưu còn hết sức bất bình vì chuyện “những anh bầu có còi to”.

Ông chia sẻ: “Đáng nhẽ từ thời bầu Kiên, người ta đã phải nhận ra điều này. Nhưng đến tận bây giờ, tôi thấy nhận thức chung vẫn rất ấu trĩ.

Cứ ai có tiền thì người đó có quyền lộng ngôn, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Không có nền bóng đá nào lại có cách ứng xử theo cách “vỗ vào mặt HLV trưởng ĐTQG” như vậy”.

Chính vì vậy, nhà báo Nguyễn Lưu kết luận: “Bóng đá Việt Nam giống như cái làng Vũ Đại. Vì không thiếu những anh bầu to còi, những anh ưa chửi đổng và nói phét.

Một nền bóng đá không thể khá lên được khi tài ít, tiền mỏng song đố kị nhiều”.

Lãnh đạo VFF là “đàn cá tranh mồi”

Tuy vậy, theo nhà báo Nguyễn Lưu, ý nghĩa của “cái làng Vũ Đại” chưa dừng lại ở những khía cạnh nêu trên.

Đội ngũ lãnh đạo của VFF đang cho thấy sự chia rẽ và mất đoàn kết.
Đội ngũ lãnh đạo của VFF đang cho thấy sự chia rẽ và mất đoàn kết.

Ông tiếp tục phân tích:

“Những ai đã đọc truyện Chí Phèo của Nam Cao hẳn nhớ rất rõ nhân vật Bá Kiến và cái thế “quần ngư tranh thực” (đàn cá tranh mồi) của làng Vũ Đại.

Tình hình của đội ngũ lãnh đạo VFF lúc này cũng chẳng khác là mấy, khi ông nào cũng chỉ trực chờ cơ hội, săn đón lợi ích của mình.

Những tranh cãi, đấu đá giữa các nhân vật chóp bu nắm quyền điều hành nền bóng đá thời gian qua, suy cho cùng là bởi các ông chưa thỏa mãn với “thực” của mình.

Ông Chủ tịch và PCT phụ trách chuyên môn thì nằm cùng một phe. Ông PCT phụ trách truyền thông bị họ cô lập nên sinh ra cay cú.

Ông bầu sắm vai PCT VFF thì bức xúc vì quân của ông không được trọng dụng, muốn biến ĐTQG thành CLB khác của ông chăng?

Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Ở trên như vậy thì bảo sao ở dưới không biết đường nào mà lần. Ngó trước, ngó sau rồi chỉ thấy nản!”.

Sa thải HLV Miura thì dễ, tìm người thay mới khó

Nếu chia tay HLV Miura, VFF sẽ rất khó tìm ra một gương mặt phù hợp để dẫn dắt 2 ĐT. Ảnh: Tiền Phong
Nếu chia tay HLV Miura, VFF sẽ rất khó tìm ra một gương mặt phù hợp để dẫn dắt 2 ĐT. Ảnh: Tiền Phong

Nhà báo Nguyễn Lưu tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên về chủ đề đang rất được dư luận quan tâm là tương lai của HLV Miura:

“Rất nhiều ý kiến từng chê bai ông Miura “xoay tua” đội hình, thế rồi bây giờ cũng có từng ấy ý kiến lại “xoay tua” các ứng cử viên thay thế ông ta. Tôi thấy thật tội nghiệp cho những ý kiến này, bởi họ nói mà không hiểu.

VFF từng sử dụng HLV nội rồi đấy, kết quả ra sao? Đối đãi như vậy ai dám trở lại? Với các HLV ngoại thì sau thời Falko Goetz, giờ đến lượt Miura bị đối xử như thế này, thử hỏi có ai còn dám tới Việt Nam làm việc?

Chê bai hay sa thải ông Miura thì rất dễ nhưng để tìm ra người thay thế là chuyện không đơn giản chút nào, với tình hình nhiễu nhương của bóng đá Việt Nam lúc này”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại