Tưởng chừng như scandal về tuổi thật của Công Phượng đã khép lại thì ngày hôm qua, một phóng sự truyền hình đã chỉ ra rất nhiều điểm còn nghi vấn trong vụ này.
Việc tờ giấy khai sinh của Công Phượng thiếu đi 2 chi tiết là số sổ và số quyển được nhắc đến. Đã có nhiều nhận định về việc thiếu 2 con số này sẽ khiến tờ giấy khai sinh của Công Phượng mất đi giá trị pháp lý. Song sự thật lại không phải vậy.
Trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - trưởng Văn phòng luật sư Interla về vấn đề này, ông cho biết: "Việc thiếu số sổ và số quyển không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của giấy khai sinh. Những nội dung được ghi đã thể hiện rõ ngày tháng năm sinh rồi. Điều này là hoàn toàn phù hợp.
Giấy khai sinh đó chỉ có vấn đề khi UBND xã không có hồ sơ trong bản lưu trữ”.
Về trường hợp giấy khai sinh của Công Phượng, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết về một điểm lưu ý nữa là giấy được đăng ký ngày 20/10/1995, tức 9 tháng sau khi Công Phượng được sinh theo ngày khai trên đó. Tuy nhiên, theo quy định thì điều này không hề cấm, không có bất cứ sai phạm nào cả.
Tại UBND xã Mỹ Sơn, chúng tôi đã được cung cấp cụ thể về sổ lưu trữ trong đó có hồ sơ của Công Phượng. Theo đó, hồ sơ của chân sút này được lưu số 813 trong sổ lưu trữ xã Mỹ Sơn.
Hồ sơ Công Phượng trong sổ lưu trữ xã Mỹ Sơn
Trao đổi với PV về việc hồ sơ Công Phượng chưa có chữ ký nhưng đã được đóng dấu, ông Đặng Công Giang - Cán bộ hộ tịch xã Mỹ Sơn, cho hay đây là do thiếu sót cả cán bộ làm hồ sơ. Tuy nhiên, trong cuốn sổ lưu trữ này cũng có rất nhiều trường hợp tương tự.
Trước đó, nói về cuốn sổ có ghi dòng chữ mờ Nguyễn Công Phượng sinh năm 1993, phía cuối dòng ghi “khai sinh lại 1995”, ông Nguyễn Gia Ngạn - Cán bộ phụ trách hộ khẩu xã Mỹ Sơn, cho hay, khi anh trai của Phượng qua đời (Nguyễn Công Khoa - PV) được các thầy cô hướng dẫn nên gia đình về đi khai và cán bộ xã đã ghi đè lên tên của Công Khoa thành Công Phượng. Cũng chính vì lý do này mà trong danh sách cuốn sổ này thiếu tên của Nguyễn Công Khoa.