1. Ngược lại thời điểm cuối tháng 4/2012, khi HLV Guardiola quyết định chia tay Barca. Thời điểm ấy, câu hỏi duy nhất được bàn luận ở Nou Camp là ai sẽ tiếp quản Barca thay Pep?
Cái tên Tito Vilanova được chỉ định trong sự ngỡ ngàng của không chỉ NHM Barca mà cả làng cầu thế giới. Các culé có quyền đặt dấu hỏi vào năng lực của Tito, một người khi là cầu thủ từng không lên nổi đội hình 1 của Barca, phiêu dạt sang Celta Vigo nhưng cũng đóng vai dự bị và treo giày năm 2002 khi qua vài đội bóng nhỏ khác.
Barca huy hoàng, vĩ đại như thế tại sao lại được trao cho một người trước đó chỉ được nhớ đến vì bị HLV Mourinho chọc vào mắt?
2. Nhưng Chủ tịch Rosell và các cộng sự đã có một quyết định vô cùng sáng suốt khi bổ nhiệm Tito và Vilanova cũng đã chứng minh không ai tốt hơn ông tiếp quản chiếc ghế nóng mà Pep Guardiola để lại.
100 ngày khởi đầu xuất sắc nhất trong lịch sử các nhà cầm quân ở Nou Camp, vô địch La Liga 2012/13 với số điểm kỷ lục, nhưng điều quan trọng nhất là Tito đã cải tiến một Barca đang có dấu hiệu chững lại sau kỷ nguyên vàng của Guardiola.
Tito có một lợi thế mà không có bất cứ ai ngoài Pep có được: hiểu các ngôi sao Barca đến từng chân tơ kẽ tóc. Messi, Fabregas, Pique… đều do một tay Pep và Tito đào tạo ngay từ khi còn là những cậu bé. Hiểu học trò, hiểu La Masia, hiểu văn hóa xứ Catalan và nằm lòng triết lý Tiqui-taca, đó là lý do giải thích vì sao Tito nhanh chóng khiến các cule quên đi phần nào cái bóng quá lớn của Pep bao trùm thánh đường Nou Camp.
Nhưng đúng thời điểm rực rỡ nhất của nghiệp cầm quân, Tito lâm trọng bệnh. Barca rơi tự do và Tiqui-taca cũng trên bờ vực phá sản khi trao vào tay Tata Martino.
3. Ở tuổi 45, Tito Vilanova đã chính thức lìa cõi tạm. Ở những thời khắc như thế này, bóng đá đã được gạt sang một bên, thay vào đó là niềm tiếc thương vô hạn của các culé, của làng cầu thế giới dành cho một tài năng sớm nở nhưng cũng sớm tàn vì căn bệnh ung thư quái ác.
Barca mất Cúp Nhà vua, chia tay Champions League và hụt hơi trong cuộc đua La Liga. Blaugrana đang trải qua mùa giải vô cùng thất vọng dưới tay Tata Martino và nhìn cái cách nhà cầm quân Argentina cố thoát khỏi tiqui-taca nhưng thất bại, cule càng thêm nhớ Tito.
Dẫu sao thì những vấn đề ấy rồi cũng sẽ sớm trôi vào dĩ vãng, nhưng Tito thì không. Các cule sẽ không bao giờ quên ông, một phần không thể thiếu trong lịch sử sân Nou Camp. Tito đã và sẽ luôn là một biểu tượng bất diệt ở Nou Camp, về lòng quả cảm và sức chiến đấu bền bỉ cả trong lẫn ngoài sân cỏ.