Fighting kiểu Miura đang hủy hoại Công Phượng và đồng đội?

Hạ Huyền |

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh tỏ ra không hài lòng với cái cách mà HLV Miura rèn giũa các cầu thủ Việt Nam.

- Thưa chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, ông nghĩ sao khi mỗi đợt tập trung đội tuyển dưới thời HLV Miura lại xuất hiện hàng loạt ca chấn thương?

+ Về mặt lý thuyết, tôi cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn đến điều này. Thứ nhất, cầu thủ có sự chuẩn bị không tốt cả về thể lực lẫn tâm lý. Thứ hai, khâu chuẩn bị ở CLB có vấn đề. Thứ ba, giáo án của HLV trưởng chưa phù hợp.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về từng khía cạnh nêu trên?

+ Một trong những đặc điểm của các đội bóng trẻ là sự nhiệt tình. Khi lên tuyển, các cháu thường nỗ lực tối đa để ghi điểm với HLV trưởng, nhằm giành suất đá chính.

Mặt trái của điều này là sự nôn nóng, đốt cháy giai đoạn hoặc hưng phấn quá mức trong tập luyện dẫn đến chấn thương cho đồng đội hoặc cho chính mình.

Ông Nguyễn Văn Vinh được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về bóng đá Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Vinh được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về bóng đá Việt Nam.

Thứ hai, phải thừa nhận là hầu hết CLB Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt nhất về nền tảng thể lực cho cầu thủ, chỉ đến khi lên tập trung đội tuyển mới phát hiện ra chấn thương.

Thứ ba, về vai trò của HLV, tôi cho rằng ông Miura cần phải có sự nghiên cứu để xây dựng giáo án luyện tập phù hợp với thể trạng của các học trò, thay vì tác phong thường thấy là liên tục đặt họ vào trạng thái phải gắng sức tối đa.

- Dù thế nào cũng khó có thể xem là tình cờ khi các ca chấn thương của cầu thủ dưới thời HLV Miura là nhiều nhất trong các thời HLV ngoại, thưa ông?

+ Tôi xin dùng một ví dụ bằng hình ảnh thế này để các bạn dễ hiểu. Vào buổi sáng mùa đông ở miền Bắc, anh muốn ngồi lên chiếc xe để đi làm thì cũng phải từ từ đạp nổ cho nó nóng máy, chạy chậm chậm rồi mới đến giai đoạn tăng tốc.

Cầu thủ đương nhiên không phải cỗ máy, cơ chế tâm sinh lý, cấu tạo cơ thể còn phức tạp hơn nhiều.

Chẳng hạn, nhóm cầu thủ của HAGL vừa đá xong giải U21 quốc tế chưa kịp nghỉ ngơi, hồi phục, lên tuyển đã bắt đầu phải vào guồng quay mới hết sức hối hả nên chắc chắn không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi.

Tâm lý chung của các cầu thủ trẻ là sợ thầy, rồi không muốn bị mất vị trí nên lúc nào cũng gắng sức thể hiện dẫn đến nguy cơ chấn thương.

Một người HLV giỏi phải nhìn thấy điều đó để đưa ra lượng vận động phù hợp, chứ không phải lúc nào cũng yêu cầu họ “fighting”.

Chuyện các cầu thủ chấn thương khi tập luyện xảy ra thường xuyên dưới thời HLV Miura.
Chuyện các cầu thủ chấn thương khi tập luyện xảy ra thường xuyên dưới thời HLV Miura.

- Tôi đồng ý với chuyên gia về chuyện nếu không “fighting”, các cầu thủ sẽ rất khó có chỗ đứng ở đội bóng của HLV Miura.

+ Không phải đến thời ông Miura, cầu thủ Việt Nam mới biết đến khái niệm “fighting”.

Thời của chúng tôi khoác áo Thể Công thi đấu với Trung Quốc rồi CHDCND Triều Tiên… nếu không nhập cuộc bằng tinh thần quyết chiến, quyết thắng làm sao chơi ngang ngửa được với họ?

Các đời HLV ngoại trước ông Miura có “fighting” không? Chẳng hạn, ông Calisto cũng yêu cầu phải đá tập giống như đá thật, nhưng tại sao không thấy xuất hiện nhiều ca chấn thương đến vậy?

Fighting kiểu ông Miura khác nào tự sát. Học trò của ông Miura đá trận giao hữu với U23 Hàn Quốc trước thềm SEA Games 28 kiểu gì mà đến mức chấn thương gãy xương sườn, vào bóng đến mức phải nhận thẻ vàng, thẻ đỏ…

Nếu phấn đấu kiểu như vậy liên tục khác nào hủy hoại chính tương lai nghề nghiệp của các cháu, đồng thời còn tự triệt tiêu sức mạnh đội bóng của mình.

- Ông có nghĩ điều đó là do bản năng chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam?

+ Điều này chỉ chiếm một phần nhỏ thôi. Ở đây, phải hiểu ông Miura là người cưỡi chiếc xe máy mà tôi vừa nhắc tới ở trên. Chiếc xe kết cấu, chất lượng chỉ có vậy nhưng hoạt động nhanh chậm thế nào là do người điều khiển.

Với vai trò của HLV trưởng, tại sao ông Miura không điều chỉnh? Tôi còn nhớ ông Miura phát biểu rằng: “Cầu thủ của tôi đá như vậy chưa quyết liệt bằng V-League”.

Anh làm thầy mà phát biểu như vậy khác nào khuyến khích học trò. Đồng thời còn bộc lộ tư tưởng bảo thủ, nhất nhất theo ý mình mà không quan tâm đến ý kiến phản biện của các chuyên gia bóng đá cũng như sự phản ánh của dư luận.

Tiền vệ Hoàng Thịnh bị gãy 2 xương sườn trong trận giao hữu U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc trước thềm SEA Games 28.
Tiền vệ Hoàng Thịnh bị gãy 2 xương sườn trong trận giao hữu U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc trước thềm SEA Games 28.

- Là người lăn lộn cùng bóng đá Việt Nam hàng chục năm, ông có muốn đưa ra lời khuyên gì tới HLV MiuraVFF?

+ Ông Miura là người nước ngoài mới đến đất nước chúng ta thì phải chịu khó lắng nghe, học hỏi. Một người, hai người nói có thể sai, nhưng hàng triệu người nói thì chắc chắn phải đúng.

Bóng đá Việt Nam, cầu thủ Việt Nam chỉ phù hợp với lối chơi phối hợp kỹ thuật, chuyền ban ở cự ly ngắn và trung bình. Đằng này, ông Miura cứ nhất quyết xây dựng lối chơi thiên về thể lực và tranh chấp là đi ngược lại cả ý chí lẫn nguyện vọng của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ.

Ở đây, tôi cũng muốn đặt ra câu hỏi về vai trò của VFF. Tạm gọi các anh lãnh đạo VFF là “người đi chợ” mua sản phẩm về, sản phẩm chưa được như ý anh phải chỉnh sửa.

ĐT lần nào tập trung cũng chấn thương nhiều như thế, VFF đã họp bàn chưa, rút kinh nghiệm đến đâu, đặt ra bài học gì để không tái diễn?


Hậu vệ Văn Khoa là trường hợp mới nhất dính chấn thương của U23 Việt Nam. Cầu thủ thuộc biên chế CLB Quảng Ninh dự kiến phải mất đến 3 tuần để bình phục vết đau ở cổ chân. Ảnh: thethao24.tv

Hậu vệ Văn Khoa là trường hợp mới nhất dính chấn thương của U23 Việt Nam. Cầu thủ thuộc biên chế CLB Quảng Ninh dự kiến phải mất đến 3 tuần để bình phục vết đau ở cổ chân. Ảnh: thethao24.tv

Tiếng nói của Hội đồng HLV Quốc gia được thể hiện như thế nào, khi hết lần này đến lần khác, HLV Miura tuy bị chỉ trích dữ dội nhưng ông ta vẫn cứ làm theo cách của mình, bỏ ngoài tai ý kiến phản biện?

Cá nhân tôi cho rằng, nếu “mua” một sản phẩm về rồi bỏ đấy, muốn làm gì thì làm, thể hiện ra sao thì thể hiện, được thì cả nhà cùng vui, vỗ tay hoan hô, không được thì đổ hết cho HLV trưởng là cách làm rất thiếu trách nhiệm.

- Cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Hầu như ở đợt tập trung nào của các ĐT bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Miura, số lượng cầu thủ dính chấn thương cũng có thể xếp đủ ít nhất một đội hình.

Trong đợt tập trung hiện tại của U23 Việt Nam chuẩn bị cho VCK U23 châu Á, những cái tên nằm trong danh sách "thương binh" gồm có: Huy Toàn, Ngọc Thắng (đã chia tay), Hồng Duy, Xuân Trường, Duy Mạnh, Văn Dũng, Hữu Dũng, Tuấn Anh...

Công Phượng cũng bị gãy đốt ngón tay phải bó bột điều trị khoảng 3 tuần nhưng vẫn có thể tham gia luyện tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại