Bentaleb – một gương mặt còn tương đối vô danh - có đồng ý hay không cũng không có ảnh hưởng quá lớn, nhưng động thái trên cho thấy rằng các nhà tổ chức bóng đá Anh đang dần thay đổi, ít nhất là từ trong cách tư duy. Và sự thay đổi đó còn phục vụ cho các mục đích khác không chỉ là bóng đá.
Bóng đá không biên giới
Trong thế giới hiện đại thì quốc tịch là một khái niệm tương đối mong manh. Phần lớn các nước châu Âu cho phép một người nước ngoài nhập tịch nếu như anh ta đã trải qua 5-7 năm sống và làm việc tại đó, và thời gian này thậm chí có thể được rút ngắn xuống còn 2-3 năm trong trường hợp có những sự liên hệ về hôn nhân hay huyết thống với người bản địa.
Tiêu chí này có thể thay đổi ít nhiều tại từng quốc gia cũng như châu lục, nhưng về cơ bản thì chuyện một người sinh ra tại nước này và mang quốc tịch của nước khác không còn là điều gì quá xa lạ. Hòa cùng với xu hướng đó, nhiều ĐT bóng đá cũng đã rất tích cực trong việc tung ra sân cầu thủ nhập tịch mà đầu tiên là Pháp (Patrick Vieira sinh ở Senegal, Marcel Desailly sinh ra tại Ghana, Claude Makelele là người Congo chính cống) hay BĐN (Deco, Pepe, Liedson đều là người BĐN).
Tuy nhiên hai ĐTQG vừa nêu chủ yếu chỉ sử dụng các cầu thủ xuất thân từ thuộc địa cũ, tức những nơi có liên quan nhất định với “mẫu quốc” về mặt văn hóa cũng như lịch sử, còn Đức hay TBN thậm chí còn chấp nhận những người nước ngoài 100% như Lukas Podolski, Miroslav Klose (sinh ra tại Ba Lan), Marko Marin (Nam Tư cũ), Marcos Senna, Diego Costa (Brazil).
Nghĩa là nơi sinh không thể và không nên là yếu tố quyết định đối với lựa chọn về việc khoác áo ĐTQG nào của các cầu thủ, như những gì mà các huyền thoại Puskas (Hungary/TBN), Jose Santamaria (Uruguay/TBN), Raimundo Orsi và Luis Monti (Argentina/Italia)… từng thể hiện trong quá khứ.
Mà thực ra biên giới của các quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, cũng chẳng ổn định gì cho cam, tối thiểu là cho đến năm 1945 và bóng đá không nên được định hình theo đó. Không nói đâu xa, chỉ khoảng hơn 20 năm trước khi bóng đá chuyên nghiệp chính thức ra đời ở Anh (những năm 1870) thì ĐT Đức và Italia còn không hề tồn tại trên đời.
Năm 1847, gã khổng lồ của bóng đá châu Âu phải là Áo, đế chế bao trùm lên phần đất của Đức, Italia, CH Czech, Croatia, Serbia, Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia, Slovenia, Ukraine và chính Áo bây giờ. Nếu vẫn tồn tại cho đến nay, ĐTQG của nó sẽ có Petr Cech trong khung gỗ, Modric-Pirlo-Hamsik ở giữa sân và cặp Mandzukic-Dzeko trên tuyến đầu. Ngoài ra những Puskas, Kubala, Maldini, Baggio, Prosinecki hay Nedved cũng sẽ đều là cựu thành viên của ĐTQG “đế chế Áo”.
Xã hội cởi mở, ĐT bảo thủ
Trở lại với câu chuyện của người Anh, rõ ràng là cho tới một vài năm trở lại đây thì bóng đá, tất nhiên là chỉ ở cấp độ ĐTQG, đang tụt hậu rất xa so với xã hội. Premier League có thể là giải đấu phóng khoáng bậc nhất lục địa già, có rất nhiều cầu thủ nước ngoài (68% số cầu thủ đá chính ở giải Ngoại hạng mùa trước là ngoại binh) và được marketing một cách rất hiệu quả đến khắp thế giới, nhưng LĐBĐ Anh (FA) thì lại cực kỳ bảo thủ.
Phần đông các nhà tổ chức bóng đá cũng như các nhân vật “có số má” trong làng bóng đá Anh, bao gồm cả những nhà VĐ World Cup 1966 như thủ thành Gordon Banks, đều lên tiếng tỏ ý không đồng tình với việc thuyết phục các cầu thủ nước ngoài nhập tịch để rồi đại diện cho ĐT Anh trên đấu trường quốc tế mà mới nhất là trường hợp của Adnan Januzaj. Họ không nhận ra, hay cố tình lờ đi, một thực tế là xã hội Anh đang trở nên cởi mở và “quốc tế hóa” mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tính đến năm 2013, 14% cư dân Anh (7,5 triệu người) được sinh ra ở nước ngoài. Riêng tại thủ đô London, tỷ lệ này là 36%, trong đó có khoảng 300-400.000 người Pháp và giúp nó trở thành thành phố Pháp lớn thứ 6 (!) trên thế giới. Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của 22% cư dân London, còn nếu chỉ tính trẻ em thì con số này sẽ là 42%.
Người ta có thể dễ dàng kể ra rằng khu New Malden (một vùng của London) là của người Hàn Quốc, Stockwell là nơi cư trú của cộng đồng BĐN, Bayswater là nơi tập trung đông đảo người Ả Rập, người Thổ thường sinh sống ở khu Haringey-Hackney-Islington, người Ấn Độ ở Southall và Wembley, người Jamaica ở Brixton và Nigeria ở Peckham…và so với một “thành phố toàn cầu” khác là New York thì London thực ra còn có độ mở cao hơn rất nhiều.
Ở New York, người Mỹ chiếm 80% nhân lực trong ngành tài chính và 90% số thương vụ ở phố Wall là các giao dịch nội địa. Tại London, 65% số nhà giao dịch ngân hàng là người nước ngoài và số giao dịch có yếu tố quốc tế chiếm tới 90%. Khác với New York, London không đánh thuế đối với các khoản thu nhập mà cư dân của họ kiếm được ở nước ngoài, không hạn chế việc các NĐT ngoại quốc mua BĐS và đương nhiên không quan tâm tới việc tiền của họ đến từ đâu.
Bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung là một phần không thể tách rời của xã hội, hay nói ngắn gọn thì “xã hội nào – bóng đá nấy”. Một xã hội Anh cởi mở như thế về lý thuyết phải có rất nhiều cầu thủ sinh ra ở nước ngoài, nhưng các nhà điều hành bóng đá Anh – có lẽ vì niềm tự hào của quốc gia khai sinh ra bóng đá – đã từ chối, hoặc ít nhất là cố gắng ngăn cản, xu thế hiển nhiên đó.
Mở cửa để thống nhất
Tuy nhiên đã đến lúc FA thay đổi. Họ buộc phải rũ bỏ lối tư duy cũ không hẳn vì sự khan hiếm tài năng trẻ trong bóng đá Anh hoặc những năm tháng “đói” vinh quang của ĐT Anh ở các giải đấu lớn, mà sâu xa hơn là còn vì áp lực rất lớn từ thể chế xã hội Anh trong một năm 2014 cực kỳ quan trọng. 2014 sẽ là năm đánh dấu hai cuộc trưng cầu dân ý có ảnh hưởng rất lớn đến Vương quốc Anh.
Thứ nhất (vào tháng 9) là việc Scotland có rời khỏi Vương quốc, chính thức chấm hết mối lương duyên Scotland-Anh vốn đã tồn tại suốt 300 năm qua, hay không. Thứ hai (chưa rõ thời điểm, nhưng gần như chắc chắn sẽ diễn ra nếu như đảng UKIP của Nigel Farage giành chiến thắng trước đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2014) là việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Về cơ bản thì phần đông người dân Anh hy vọng duy trì sự thống nhất hiện tại, Scotland nên là một phần của Vương quốc Anh và Anh nên là một phần của Liên minh châu Âu vì nhiều lý do. Nhưng cách thức lựa chọn cầu thủ của FA, ít nhất là cho đến gần đây, đang bộc lộ một sự bảo thủ, “bế quan tỏa cảng” không cần thiết và không cho thấy dấu hiệu nào về một ĐT Anh cởi mở với thế giới bên ngoài.
Nếu “Tam sư” không thể mở cửa những cầu thủ ngoại, làm sao Scotland có thể yên tâm ở trong Vương quốc Anh và làm sao Anh có thể chấp nhận những giá trị chung về mặt pháp lý, chính sách… của EU? Động thái mới nhất của FA có lẽ chưa thể tăng cường sức mạnh cho ĐT Anh ngay lập tức (dẫu sao những Januzaj, Bentaleb còn quá trẻ và thậm chí chưa có nổi 1 năm chơi bóng đỉnh cao), nhưng đó sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ về mặt tư duy cũng như chính sách và có thể góp phần (dù nhỏ) giúp người Anh đạt được những mục tiêu chính trị của mình. Đối với người Anh thì Scotland và EU mới là những từ khóa được quan tâm nhiều nhất trong năm 2014, chứ không phải VCK World Cup ở Brazil…
Nabil Bentaleb, cầu thủ đang nằm trong biên chế Tottenham, sinh ngày 24/11/1994 ở Lille, Pháp và gia nhập Spurs từ tháng 1/2012. Tiền vệ 19 tuổi này đã chơi trận ra mắt cho đội chủ sân White Hart Lane vào ngày 22/12/2013 vừa qua, khi Tottenham đánh bại Southampton 3-2, và có tổng cộng 4 lần khoác áo Spurs ở mùa giải 2013/14. Dù chưa ghi được bàn thắng nào, cầu thủ có cả cha và mẹ là người Algeria này được HLV Tim Sherwood cũng như các đồng đội đánh giá rất cao và FA đang tìm cách thuyết phục Bentaleb đại diện cho ĐT Anh trên đấu trường quốc tế. Hiện Bentaleb đã ở Anh được 2 năm và anh cần sống ở đây thêm 3 năm nữa để đủ điều kiện khoác áo “Tam sư”. Nếu thuận lợi, Bentaleb có thể tham dự các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 cùng ĐT Anh vào năm 2017.