1. Với từ khóa “Europa League” tìm kiếm trên nhật báo số 1 nước Anh: Daily Mail, chúng ta có được… 465 kết quả. Với từ khóa “Champions League”, số lượng tin bài tăng lên 2.148 kết quả. Còn với từ khóa “Manchester United”, ta có hơn 3 triệu kết quả.
Làm thêm một phép thử: Tìm kiếm thêm với từ khóa “American Idol” (game show tìm kiếm tài năng âm nhạc Mỹ), độc giả sẽ được đọc hơn 800 tin bài trên Daily Mail.
Rất rõ ràng, với một nền truyền thông tiên tiến, chẳng buông tha sự kiện nào trên thế giới như của người Anh, thông tin về Europa League dường như là thứ gì đó mà họ không cần quan tâm, hoặc ít ra, không cần quan tâm quá nhiều. Trong đa số những kết quả về Europa League trên tờ Daily Mail, hầu hết là tin bài về Tottenham, vào thời điểm CLB này còn đang thi đấu ở sân chơi bị coi là hạng 2 của châu Âu. Kể từ khi Spurs bị loại, đến thông báo cho độc giả biết hôm nay trận chung kết Europa League diễn ra, Daily Mail cũng tiết kiệm.
Europa League vẫn luôn bị ghẻ lạnh dù CLB lớn cỡ Chelsea vô địch
2. Thực ra câu chuyện Europa League bị NHM bóng đá ghẻ lạnh đã bùng lên từ khá lâu, và UEFA còn cất công thuê cả các chuyên gia hiến kế nâng cấp giải đấu này. Rất nhiều người đau lòng khi nhìn vào con số: Chỉ có vỏn vẹn 4,2 triệu lượt người theo dõi trận chung kết Europa League giữa Chelsea và Benfica (trong khi đó lượng người xem Champions League lên tới trung bình 360 triệu lượt). Càng đau đầu hơn khi biết, con số đầy khiêm tốn 4,2 triệu lượt người xem đã tăng tới… 40% so với mùa giải trước đó.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản là thay đổi nhận thức của độc giả.
Theo báo cáo tài chính của UEFA, Europa League mang lại doanh thu khoảng 200 triệu euro/mùa bóng. Vậy còn Champions League thì sao? Các tờ báo chỉ dám dùng cụm từ “hàng tỷ euro” để nói về nguồn thu của Champions League, còn cụ thể bao nhiêu tỷ thì không nhiều người có được con số chính xác.
Năm 2012, Atletico Madrid vô địch Europa League và họ nhận về tổng cộng… 10,5 triệu euro. Với số tiền này thậm chí còn chưa đủ để mua một trung vệ tầm trung ở Premier League.
Tiền, đó là vấn đề của Europa League. Không có cục nam châm tiền, Europa League sẽ không thể hút được những vị khách hàng hiệu. Trong rất nhiều năm gần đây, có thể nhận thấy rất rõ là đến cả Tottenham cũng chỉ dùng đội hình dự bị ở Europa League. Man United và Man City từng tụt xuống đấu trường này, nhưng họ chẳng thiết tha thi đấu và cũng chẳng thèm buồn khi bị loại. Serie A thậm chí còn không chạy đua tiếp nếu cái đích phía trước chỉ là Europa League (trường hợp của Milan mới đây chính là một ví dụ).
Sẽ có bao nhiêu fan cổ vũ Sevilla đêm nay?
Khổ nỗi, nếu nguồn thu chỉ là 200 triệu euro, thì tiền đâu mà thưởng cho các CLB? Nguồn thu ít – thưởng ít – không nhiều ông lớn thiết tha – khán giả thờ ơ – nguồn thu tiếp tục ít - … Một cái vòng luẩn quẩn.
Hơn thế nữa, một chuyên gia từng chỉ ra: Việc Europa League thi đấu vào ngày thứ 5 cũng là một phần nguyên nhân khiến giải đấu này bị thơ ơ. Ngày thứ 5 kẹp giữa loạt trận Champions League và các trận đấu thuộc giải VĐQG – những món ăn vốn hấp dẫn hơn rất nhiều, và người ta bỏ Europa League cũng chẳng có gì ngạc nhiên.
3. Đêm nay, 1h45, tại sân Juventus, Sevilla sẽ gặp Benfica trong trận chung kết Europa League 2013/14. Người ta muốn làm một phép thử: Trong bối cảnh NHM bóng đá chẳng còn gì để xem khi Premier League đã kết thúc, Champions League còn chưa đến, liệu có ai để mắt tới trận chung kết này không?