Ông thầy người Nhật Bản đã đưa Olympic Việt Nam lọt vào vòng 1/8 Asian Games 2014 (bằng với Phan Thanh Hùng), đoạt lại chiếc vé bán kết AFF Suzuki Cup 2014 cho ĐT Việt Nam (chưa bằng Calisto) và giành HCĐ SEA Games 28 cùng U23 (ngang ngửa Colin Murphy).
“Bút sa gà chết”?
Thuyền trưởng tuyệt đối hay vẫn còn gọi là tổng công trình sư của các ĐTQG Thái Lan, Kiatisuk Senamuang, đã giữ đúng lời hứa khi giao lại ĐT U23 nước này cho phó tướng Promrut Choketawee.
Đến trận chung kết SEA Games 28, chúng ta còn thấy là “Zico” Thái cùng các học trò ở ĐTQG nằm ở khách sạn, thảnh thơi theo dõi U23 Thái Lan bảo vệ thành công chiếc HCV.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao HLV Toshiya Miura không thể làm điều tương tự, chọn ĐTQG hoặc U23 QG?
Nó bắt đầu từ bản hợp đồng kiêm nhiệm mà ông Toshiya Miura ký với VFF, hồi giữa năm 2014.
Vào thời điểm đó, cả các ông chủ VFF và HLV Miura đều thống nhất rằng, họ không gặp bất cứ vấn đề nào với mô hình “2 trong 1” cả.
Thậm chí, thuyền trưởng người Nhật Bản từng ghi điểm với cả Olympic Việt Nam tại sân chơi Asian Games 17 (Hàn Quốc, 10/2014), làm tăng đáng kể chỉ số niềm tin.
Nhưng sau hơn 1 năm, ở đủ các cấp độ ĐTQG, chúng ta phải đặt ngược lại các vấn đề.
Với cả ĐTQG và U23 QG, HLV Miura đơn thuần chỉ thừa hưởng, chứ chưa thể tạo dựng. Điều này thông cảm được, bởi ông Miura đâu phải “phù thuỷ 3 đầu 6 tay” mà có thể biến vịt thành thiên nga, trong ngày một ngày hai.
Nhưng xét biểu đồ thành tích ở các sân chơi khác nhau, HLV Miura chưa cho thấy mình giỏi bứt tốc đoạn ngắn.
Và đó là bản chất vấn đề, khi VFF vẫn luôn trung thành với tiêu chí thuê tướng đánh trận, chứ không thuê tổng công trình sư hay chuyên gia chạy đường trường.
“Qua hai lần đò”
Thông thường với bản hợp đồng 2 – 3 năm, mỗi nhiệm kỳ HLV ngoại sẽ trải qua ít nhất một AFF Cup (trước đây là Tiger Cup) hay một kỳ SEA Games, hoặc nếu may mắn, thì được giữ lại cho cả 2 sân chơi này.
HLV Alfred Riedl hạp duyên khi gắn bó với bóng đá Việt Nam ở nhiều giai đoạn khác nhau và cũng trải qua hầu hết các sân chơi lớn nhỏ.
Cả về điều kiện đến việc tính xác xuất, ông thầy người Áo đương nhiên có nhiều hơn các cơ hội tạo dựng cột mốc, ví như năm 2007 chẳng hạn.
Dài dòng như thế là bởi, nền bóng đá sẽ phải tính đến việc có nên tiếp tục hợp tác với HLV Toshiya Miura hay không, khi hợp đồng của ông sẽ kết thúc vào năm 2016?
HLV Miura đã trải qua một Asian Games, một giải AFF Cup, một kỳ SEA Games, khó thể nói là thành công, khi tất cả những nấc thang danh vọng này, chúng ta đều đã sở hữu rồi.
Ngoài ra, về mặt lối chơi, cũng như tham vọng, năng lực chinh phục của các đội bóng dưới thời HLV Miura, không có gì quá đặc biệt cả.
Nhân duyên, “qua hai lần đò” hẳn là trắc trở, nhưng với nghiệp huấn luyện, được giữ lại nhiệm sở bằng bản hợp đồng gia hạn, lại là điều may.
HLV Miura trước khi đến Việt Nam đã trải qua khoảng thời gian thất nghiệp, làm Bình luận viên bóng đá, thì nó còn hơn cả may mắn với ông.
Nhưng, có là điều hay cho nền bóng đá hay không, thì còn tuỳ. Chỉ mong, HLV Miura không phải là “canh bạc” với VFF nhiệm kỳ 7.
8. Là số thầy ngoại từng dẫn dắt bóng đá Việt Nam, kể từ thời Edson Tavares 1995 đến Toshiya Miura 2015.
3. Là trường hợp HLV được mời lại, sau khi đã thoái vị. Đó là các HLV Tavares (1995 và 2004), Alfred Riedl (1998 – 2000, 2003 và 2005 – 2007) và cuối cùng là Henrique Calisto (2002 và 2008 – 2010).
Khi Edson Tavares có vẻ “yểu mệnh”, có thể nói, chỉ Henrique Calisto và Alfred Riedl mới thực sự đi vào sử sách. Trước đó, HLV Karl-Heinz Weigang (1995 – 1997) cũng để lại nhiều di sản.
5. Kể từ khi hòa nhập với đấu trường SEA Games (1991), chúng ta 5 lần vào chung kết nhưng chưa một lần nếm trải vinh quang.