Những ai từng yêu mến lối chơi của ĐT U19 Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy đường nét ấy ở đội bóng không được tính là chuyên nghiệp đến từ Nhật Bản.
Trong trận đấu với U23 Việt Nam chiều 12/12, những pha đan bóng liên tục ở khu vực giữa sân của JFL Selection khiến họ hoàn toàn làm chủ cuộc chơi để đi đến thắng lợi chung cuộc 4-0.
Hầu hết thời gian thi đấu, trái bóng chủ yếu lăn bên phần sân của U23 Việt Nam. Chỉ số không tung ra được cú sút nào về phía khung thành JFL Selection mô tả rõ nét sự thất thế của Công Phượng và đồng đội.
Điều đó là một ví dụ khá sinh động chứng minh cho việc, các đội bóng Nhật Bản không chỉ đá bằng thể lực hay tận dụng tối đa lợi thế về thể hình.
Trong 4 bàn thắng của JFL Selection, không có pha lập công nào được thực hiện bằng đầu. Hai bàn xuất phát từ tình huống phối hợp và 2 bàn còn lại là khoảnh khắc tỏa sáng bằng kỹ thuật cá nhân.
Phải nhắc lại rằng JFL Selection chỉ là tập hợp của những cầu thủ tốt nhất ở giải hạng tư Nhật Bản.
Tất nhiên, điều đó không mang theo hàm ý, cứ là bóng đá bán chuyên của xứ sở hoa anh đào thì U23 Việt Nam không được phép thua.
Nhưng có một sự thật chắc chắn rằng, thứ bóng đá JFL Selection thể hiện chưa thấm tháp gì so với trình độ của HLV Miura.
Bởi với kinh nghiệm của một nhà cầm quân từng dẫn dắt 4 CLB tại J-League 2 và đưa 2 trong số đó thăng hạng J-League 1, HLV Miura dư sức thể hiện một thứ bóng đá ở đẳng cấp trội hơn những gì khán giả được chứng kiến trên sân Hàng Đẫy chiều 12/12.
Một cách đặt vấn đề như vậy cũng có nghĩa, khi “không có bột” thì bất kể nhà cầm quân nào cũng khó có thể “gột lên hồ”.
Trong tay HLV Miura lúc này đang có gì? Đó là một hàng phòng ngự gần như được xây mới hoàn toàn, sau khi nhân tố quan trọng nhất là Quế Ngọc Hải vắng mặt.
Sự hớ hênh của hàng thủ U23 Việt Nam trong buổi chiều 12/12 chỉ càng làm khán giả thấy rõ hơn khoảng trống của trung vệ sinh năm 1993.
Dù tận dụng tối đa các phương án thay người, HLV Miura vẫn chưa tìm thấy cái tên nào khả dĩ để lấp vào vị trí bị khuyết.
Đó còn là một hàng tiền vệ chắp vá, khi Duy Mạnh, Tuấn Anh vẫn phải ngồi ngoài vì chấn thương, trong khi Xuân Trường dường như chưa thoát khỏi cảm giác thiếu tự tin khi lên tuyển.
Cái tên để lại ấn tượng nhiều nhất với JFL Selection là Công Phượng. Nhưng vài pha cầm, ngoặt hay chuyền trái bóng của tiền đạo HAGL cho đồng đội chưa đủ để tạo ra sóng gió cần thiết khiến đối phương phải dè chừng.
U23 Việt Nam vs JLF Selection
Trao đổi cùng phóng viên cách đây chưa lâu, HLV Nguyễn Thành Vinh từng chia sẻ về vấn đề ông Miura đang phải đối diện:
“Khán giả ai cũng thích xem thứ bóng đá biểu diễn của U19 Việt Nam, nhưng phải thực tế là lối chơi như vậy chỉ có thể tồn tại ở các giải giao hữu.
Khi bước vào thi đấu tại các giải chính thức, sự thực dụng, tính hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, cũng cần nhìn xem HLV Miura đang có gì trong tay. Với con người như vậy, rất khó để xây dựng lối chơi “chuyền ban bật nhả”.
Tại VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam bị đánh giá là cái tên yếu nhất, nên bắt buộc phải chọn đấu pháp phòng ngự - phản công”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí News Picks (Nhật Bản) mới đây, HLV Miura cũng mô tả cầu thủ Việt Nam “yếu thế khi va chạm thể lực, dễ bị ngã, lười di chuyển, thiếu toàn diện giữa tấn công và phòng ngự…”.
Kết luận được rút ra là, với trình độ của mình, HLV Miura hoàn toàn có thể ngồi vào ghế lái trưởng của JFL Selection.
Đặt ra giả thiết nếu ông đứng ở bên phía cabin đối diện khu huấn luyện của U23 Việt Nam, chiến lược gia sinh năm 1963 cũng thừa khả năng làm được điều tương tự JFL Selection buổi chiều 12/12 trên sân Hàng Đẫy.
Lại chợt nhớ tới câu nói vui: "Bóng đá Việt Nam thì đến Mourinho cũng thế thôi!".
Thất bại 0-4 trước JFL Selection không hề khiến HLV Miura thất vọng. Trái lại, ông cho rằng đó là trải nghiệm rất tốt đối với các học trò của mình.
Công Phượng cùng đồng đội sẽ có cơ hội để thể hiện họ đã rút ra bài học gì sau trận "lượt đi" khi bước vào trận "lượt về" với ĐT bán chuyên Nhật Bản, chiều 14/12 trên sân Hàng Đẫy.