Thực chất thì đó chỉ là một phần, bởi trong bóng đá đỉnh cao, ngoài dinh dưỡng, còn gắn đến hàng loạt vấn đề liên quan đến giáo án của từng giai đoạn, đến yếu tố di truyền và cả một quá trình tích lũy.
Có thể kể lại chuyện năm 1995 khi ông Tavares rồi ông Weigang tiếp quản đội tuyển VN, ngoài yếu tố dinh dưỡng, hai HLV này còn dùng những biện pháp trong tập luyện mà có người không hiểu hết ngóc ngách vội báo cáo với Tổng cục TDTT là "cho ăn kẹo có chất kích thích". Riêng ông Weigang, thì trong báo cáo riêng của ông ông lại nhấn mạnh chuyện rất đơn giản: Trước đây, các cầu thủ Việt Nam yếu là do tâm lý sợ sệt khi đối đầu các cầu thủ to cao hơn mình và để khắc phục khẩn điều đấy, tôi cho các cầu thủ Việt Nam thi đấu cọ xát thật nhiều với các đối thủ to, cao của châu Âu…
Nhân nói về chuyện khỏe, phải đề cập đến cái cần khỏe nhất của bóng đá Việt Nam là môi trường và lộ trình để phát triển, nhưng phải qua đầu tư, qua những nghiên cứu khoa học… Chuyện những người không gieo, nhưng ôm vội lứa U19 vào như của riêng mình và nói giờ sẽ đầu tư hết mình rồi bắt khỏe ngay là không thể.
Đội U19 Nhật Bản rất khỏe, không phải vì họ được ăn nhiều, mà vì kết hợp nhiều vấn đề - từ đề án của LĐBĐ Nhật Bản với một lộ trình để có thể đạt thành tích cao ở World Cup. Họ có nhiều tuyến trẻ, nhiều CLB làm bóng đá trẻ và nhiều học viện bóng đá, nhưng tất cả đều có sự chỉ đạo đồng nhất, chứ không phải mạnh ai nấy làm.
Một thế hệ cầu thủ khỏe phải được bắt đầu từ những đề án khỏe, chứ không phải ngắt từng phần, theo kiểu lúc nào thấy yếu thì “đổ” vào và sẽ khỏe.