Trên đất Nhật Bản, Công Phượng sẽ gặp vô vàn khó khăn. Từ việc thích nghi với lối đá mới, đồng đội mới tới việc học tiếng Nhật để giao tiếp với đồng đội. Ngoài ra, nỗi nhớ nhà cũng là rào cản không nhỏ đối với tiền đạo xứ Nghệ.
Những người hâm mộ cũng rất lo lắng cho Công Phượng. Họ sợ rằng anh sẽ chẳng thể cạnh tranh nổi vị trí và bị đày ải trên băng ghế dự bị.
Nhưng tại Mito Hollyhock, điều đáng sợ nhất với Phượng không phải ghế dự bị mà chính là việc mất đi ý chí phấn đấu.
Công Phượng vs U23 Nhật Bản
Cựu đội trưởng U19 Việt Nam từng thổ lộ khi ngồi ở khu vực kỹ thuật trên SVĐ của CLB mới: "Đây là một băng ghế đẹp, nhưng tôi không bao giờ muốn ngồi ở đây, tôi muốn được thi đấu trên sân cỏ”.
Tinh thần đó thật đáng quý, song khi đối diện thực tế, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Muốn thoát khỏi ghế dự bị, anh cần phải giỏi hơn các cầu thủ đá chính.
Như Công Vinh nói, cầu thủ Việt cần cố gắng gấp 2, 3 lần mới đuổi được các đồng nghiệp Nhật Bản. Quá trình đó không diễn ra trong một sớm một chiều.
Nghĩa là khi mới khoác áo Mito Hollyhock, khả năng Phượng ngồi ngoài là rất cao. Thậm chí, quãng thời gian này có thể kéo dài vài tháng, nửa mùa giải hoặc lâu hơn.
Khi đó, thái độ lạc quan sẽ giúp tiền đạo xứ Nghệ rất nhiều.
Bởi suy cho cùng, với một cầu thủ trẻ, ít kinh nghiệm, đến từ nền bóng đá kém phát triển hơn, ngồi dự bị là chuyện quá bình thường.
Ngay cả người dày dặn trận mạc như Công Vinh cũng đón nhận băng ghế dự bị với tâm thế cực kỳ thoải mái. CV9 sẵn sàng thừa nhận mình kém hơn, lấy đó làm động lực để vươn lên.
Cho đến những ngày cuối ở Consadole Sapporo, Vinh đã lấy được sự tôn trọng về mặt chuyên môn của CLB.
Với Công Phượng, việc không được ra sân chẳng phải là thảm họa. Chỉ khi nào anh bỏ phí một năm ròng trên đất Nhật mà không có tiến bộ gì, đó mới là vấn đề.