"Dị" như ông Miura!

Tùy Phong |

Học trò HLV Miura, những người có thể nói là đương thời vẫn nhắn nhủ, bảo vệ thầy Toshiya Miura nhưng nếu chỉ khen một người Nhật Bản làm việc rất nguyên tắc, kỷ luật và đề cao tinh thần thì có vẻ hơi thừa.

Chúng ta hiếm khi được nghe bộ phận giúp việc, hoặc các cộng sự của HLV Miura nói về ông.

Thể thao & Văn hoá cuối tuần ghi lại những câu chuyện từ văn phòng của ông Miura đến sân tập, bệnh việnh và trong cả những bữa ăn hay sinh hoạt tập thể…

Nguyên tắc một cách máy móc

“Lần đầu tiên trong đời, tôi phải phục vụ một HLV ngoại quốc nguyên tắc đến độ máy móc như ông Miura. Nếu có 2 cầu thủ cùng chấn thương một lúc và phải đưa đến bệnh viện để khám, ông Miura sẽ yêu cầu đưa từng người một đến bệnh viện.

Nhưng chúng tôi đâu phải lúc nào cũng sẵn xe, nên sẽ đưa người kia dến trước, rồi quay lại đón cầu thủ kia.

Thông thường các ĐTQG khi tập luyện chuẩn bị trận đấu hoặc giải đấu trên sân nhà, sẽ được cấp 1 chiếc xe 45 chỗ, nếu may mắn thì có khi thêm một chiếc 9 hoặc 16 chỗ hậu cần, chở dụng cụ tập luyện và nước uống, đồng thời một chiếc xe riêng để phục vụ HLV Miura.


HLV Miura là một HLV làm việc rất nguyên tắc và điều này có điểm lợi cũng như bất lợi cho công việc của chính ông. Ảnh: Phương Nam

HLV Miura là một HLV làm việc rất nguyên tắc và điều này có điểm lợi cũng như bất lợi cho công việc của chính ông. Ảnh: Phương Nam

HLV Miura sẽ không bao giờ ngồi xe lớn cùng đội bóng. Và bản thân các cầu thủ đá chính và dự bị, hoặc chấn thương cũng sẽ không ngồi chung. HLV Miura yêu cầu như thế” - Nhân viên này nói.

Chuyện xe cộ như vậy, điều ông Miura nên quan tâm hơn đó là chấn lượng các buổi tập và những trận đấu.

Ví như chuyện cái mặt sân tập thuộc Trung tâm đào tạo trẻ VFF, bao năm bị cày xới như đám ruộng, nhưng không được chăm sóc chu đáo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng các buổi tập, nhưng HLV Miura không thể thay đổi được điều gì.

Việc di chuyển qua Trung tâm Viettel để tập ké và kín cũng chỉ là giải pháp tình thế.

“Với HLV Miura, bạn sẽ không bao giờ chắc mình sẽ được ra sân hoặc ngồi dự bị, thậm chí ngồi khán đài. Trước trận đấu, có thể ông ấy sẽ rỉ tai vài cầu thủ, về việc họ sẽ đá chính.

Nhưng khi lâm trận, bất ngờ bạn bị cho ngồi ngoài, hoặc khi vào sân phải đá trái sở trường. Dù cho bạn có cảm thấy khó chịu đến đâu thì đó lại là chuyện bình thường với HLV Miura.

Nói chung, HLV Miura là một người cực kỳ khó đoán”, ý kiến của một học trò HLV Miura.

Trong quá khứ, Mạnh Hùng và Đông Triều đã từng lên tiếng về việc họ phải tập và chơi trái sở trường.

Trước VCK U23 châu Á 2016, Đông Triều từng nghĩ mình sẽ bị loại vì không thể đáp ứng được những yêu cầu của HLV Miura, khi tập luyện thì đá hậu vệ phải, chồng biên và căng ngang, lúc vào trận được yêu cầu anh đá tiền vệ trái…

Tôi bị HLV Miura mắng xa xả trên sân tập và nghĩ mình không có cơ hội”, Triều chia sẻ.

Phần lớn các học trò của HLV Miura chỉ có thể ủng hộ thầy khá chừng mực. Họ khen HLV Miura là một người sống tình cảm, nhưng luôn đề cao tinh thần kỷ luật và nguyên tắc.

Trong đó, một trong những điểm mạnh nhất của ông Miura là tâm lý chiến, tức chiến thuật chuẩn bị, giúp cho cầu thủ quyết tâm hơn và ở một vài trận đấu, đội bóng thắng đối thủ là nhờ… tinh thần. Tuyệt nhiên, rất ít người khen HLV Miura giỏi chuyên môn.

Thái độ bất hợp tác

Gần hai năm làm việc trên cương vị thuyền trưởng các ĐTQG nhưng HLV Miura nhận được rất ít sự hợp tác, từ các quan chức Liên đoàn đến Hội đồng HLV, các đồng nghiệp người Việt Nam, giới truyền thông và một bộ phận đáng kể người hâm mộ.

 

HLV Miura bị ví như vị lữ hành cô độc nhưng trước sức ép chính ông cũng bị trạng thái. Có thể thấy, trong mắt nhiều các đồng nghiệp Việt Nam, HLV Miura không được xem là một chuyên gia có hạng để học hỏi được điều gì đó bổ ích.

HLV Miura đã không thể cấy vào cabin BHL và đào tạo cho nền bóng đá những vị tướng trẻ như Alfred Riedl hay Henrique Calisto đã từng làm được.

Phần lớn đội ngũ trợ lý HLV dưới thời HLV Miura đều đang thất nghiệp, hoặc với họ, công việc trên ĐTQG chỉ là làm thêm, hoặc để tìm kiếm một cơ hội tốt hơn trong công việc, chờ đợi các lời mời của CLB.

Trong hoàn cảnh đó, khó thể đòi hỏi được chất lượng công việc ở BHL.

Bản thân các trợ lý như Nguyễn Thanh Sơn hoặc Nguyễn Quốc Tuấn đều đã hơn một lần từ chối lên đội tuyển.

Hay như Trần Công Minh, trợ lý số 1 của HLV Miura cũng nhanh chóng rút êm, sau khi được Cà Mau mời về dẫn dắt tân binh hạng Nhất.

“Tôi không có vấn đề gì với HLV Miura cả, ngoài quan điểm về… chiến thuật”, trợ lý HLV Nguyễn Quốc Tuấn từng chia sẻ, khi từ chối lần 2.

Khi lên làm trợ lý cho HLV Miura ở đội Olympic Việt Nam, HLV Quốc Tuấn chỉ phải chăm sóc các thủ môn, thay vì cần những phát kiến về chiến thuật.

Tuy nhiên, độ vênh giữa ông Tuấn “mát” và HLV Miura luôn xuất hiện vì quan điểm dùng người của thuyền trưởng người Nhật Bản: Ông trao quá ít cơ hội cho các cầu thủ HAGL, đội bóng mà HLV Nguyễn Quốc Tuấn đang dẫn dắt.

Sau AFF Cup 2014, rất nhiều các cựu binh đã nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế, dù vẫn còn dư năng lực cống hiến. Đó là Minh Châu (Hải Phòng), Tấn Tài, Anh Đức, Phước Tứ, Đình Luật (B.Bình Dương).

Một trong những người phản ứng gay gắt nhất với phương pháp huấn luyện của ông Miura là nhà vô địch AFF Cup 2008, Lê Phước Tứ.

Nhưng bản thân Tứ “khùng” cũng cảm thấy bị tổn thương, sau phát biểu của chủ tịch Lê Hùng Dũng ám chỉ một số cầu thủ bán độ trận bán kết lượt về AFF Cup 2014.

Hình ảnh HLV Miura đơn độc rời sân bay Nội Bài, sau chuyến bay dài từ Qatar khi VCK U23 châu Á 2016 kết thúc quá sớm với U23 Việt Nam, còn hơn cả một thông điệp.

Năm 2008, với chuỗi 11 trận đấu chạy đà chuẩn bị cho kỳ AFF Cup ở Thái Lan không nếm mùi chiến thắng, HLV Calisto đã phải chịu rất nhiều sức ép từ dư luận.

Trong đó, một bộ phận quan chức VFF vốn dĩ đã không đồng tình ký hợp đồng với ông “Tô”, bằng việc cử một người đi tài phán làm sao để HLV Calisto… từ chối.

Nhưng, bằng với lập trường vững vàng cùng sự ủng hộ gần như tuyệt đối của học trò, "phù thuỷ người Bồ" quyết bám trụ và cuối cùng thành công mỹ mãn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại