Hai tháng trước, trong chuyến đi đến Trung Quốc, Beckham không phủ nhận khi một phóng viên hỏi về khả năng chơi bóng tại đây vào một ngày nào đó. Với quyết định giải nghệ vừa được công bố, sẽ không có chuyện Becks thi đấu ở giải nhà nghề Trung Quốc nữa, song anh vẫn gắn bó với bóng đá nước này trong một vai trò khác.
Cụ thể, Becks đã được mời làm đại sứ cho giải vô địch Trung Quốc. Với dân số 1,3 tỷ người, trong đó có 8 nghìn cầu thủ, song sự yếu kém của giải vô địch quốc gia (bị hoen ố vì nạn dàn xếp tỷ số), cũng như khả năng hoạt động không hiệu quả của những lò đào tạo trẻ đã dẫn đến thành tích kém cỏi của ĐT Trung Quốc (mới dự VCK World Cup đúng một lần hồi năm 2002). Theo những điều khoản trong bản hợp đồng, anh sẽ theo dõi các trận đấu tại đây, góp mặt ở các lò đào tạo trẻ, các giải trẻ nhằm khuyến khích sự phát triển của nền bóng đá đông dân nhất thế giới này. Ngoài ra, Becks còn có thể xỏ giày ở các trận đấu mang tính biểu diễn tại đây, mà gần nhất là tháng 11 tới.
Becks trong lần đến Trung Quốc mới đây
Và tất nhiên, Beckham không chỉ làm việc với đối tác Trung Quốc. Hồi tháng Tư, anh đã ký hợp đồng 5 năm để làm đại sứ cho chương trình phát triển thể dục thể thao của kênh truyền hình Sky Sports. Giá trị của bản hợp đồng này là 20 triệu euro (30,6 triệu USD). Bên cạnh đó, anh cũng được Liên đoàn bóng đá Anh nhắm tới cho một ghế trong ban điều hành. Tầm ảnh hưởng của Becks từng giúp London giành quyền đăng cai Olympic 2012, và người ta hy vọng anh cũng có những đóng góp tương tự cho FA trong các kế hoạch tương lai như .
"Tôi muốn chúc cậu ấy mọi điều tốt đẹp nhất cho những dự án tương lai", chủ tịch PSG Nasser Al Khelaifi cho biết "Chúng tôi đang nói đến khả năng làm việc cùng nhau". Tuy nhiên, Becks có nhiều việc ngoài chuyên môn để làm hơn là những công tác liên quan trực tiếp đến bóng đá. Sau 5 năm ở Mỹ, Beckham cũng đã nhận thấy đây là một môi trường có thể đầu tư, và với khả năng tài chính hùng hậu của mình, anh đang nhen nhóm ý định mua hẳn một CLB tại giải MLS.
Và đừng quên rằng, Becks vẫn là một thương hiệu thực sự cho các hãng sản phẩm trong việc quảng cáo. Năm 1996, sau khi ghi bàn thắng siêu xa vào lưới Wimbledon, anh ngay lập tức được Adidas ký hợp đồng tài trợ. Năm 2003, sau khi rời M.U để sang Real Madrid, anh thậm chí còn được hãng trang phục thể thao này ký hợp đồng tài trợ trọn đời, với số tiền lên đến 100 triệu bảng. Adidas quả thực không chơi ngông. Chỉ riêng việc số lượng áo đấu trong năm 2012 của họ đã đạt đến mốc 10 triệu. Ngoài Adidas, Becks còn quảng cáo cho rất nhiều hãng khác như H&M, Armani, Gillette, Pepsi,...
Ngoài ra, với việc là đại sứ thiện chí của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Becks vẫn sẽ tiếp tục những hoạt động từ thiện mà trước đây anh từng làm bằng việc tới thăm, tặng quà, dạy đá bóng,... cho trẻ em nghèo ở khắp nơi trên thế giới.
Ai bảo rằng khi treo giày, Becks sẽ an nhàn nào!