"Đàn anh JMG HAGL" vô địch quốc gia ngay lần đầu tham dự

Đăng Khoa |

HAGL qua 3 trận thua liên tiếp đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng trình độ của thầy trò HLV Guillaume Graechen vẫn chưa đủ để chinh chiến ở V.League. Tuy nhiên, bầu Đức cũng không cần quá lo lắng bởi nhìn sang trường hợp Học viện JMG Madagascar đã đăng quang ngay ở mùa bóng đầu tiên thi đấu ở giải VĐQG.

Được tổng thống đích thân ủng hộ mở trường.

Thành công vang dội của Học viện Mimosifcom JMG Bờ Biển Ngà (trong vòng 8 năm (1994-2002) đã giới thiệu một loạt gương mặt như anh em Kolo và Yaya Toure, Didier Zokora, Emanuel Eboue, Gervinho, Romaric… chinh chiến khắp trời Âu) đã kích thích nhiều quốc gia châu Phi khác.

Madagascar, một đảo quốc thuộc châu Phi nằm ở ngoài khơi Ấn Độ Dương có nền bóng đá rất yếu quyết tâm học hỏi.

Năm 1999, tổng thống Madagascar - ông Ratsiraka đích thân mời ông Jean Marc Guillou đầu tư tiếp một Học viện JMG khác tại Madagascar với hy vọng tạo nên “kỳ tích” khác như tại Bờ Biển Ngà.

Học viện Madagascar JMG ra đời năm 2000 với tên gọi chính thức là Ny Antsika JMG Academy và là Học viện JMG thứ 2 trên thế giới.

JMG Madagascar

Tuyển Madagascar (xanh) gặp tuyển Bờ Biển Ngà tại vòng loại Cúp châu Phi 2013

Trong suốt 12 năm tồn tại (2000-2012), Madagascar JMG đã tuyển sinh được 3 khóa với 48 học viên nhưng “kỳ tích” đã không xảy ra như ở Mimosifcom JMG Bờ Biển Ngà.

Tuy nhiên, JMG Madagascar cũng tạo ra một thành tích độc nhất khi trở thành đội bóng trẻ nhất VĐQG với dàn cầu thủ sinh năm 1989 và 1990.

Mục đích lớn nhất của Học viện JMG Madagascar là xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài. Tuy nhiên cũng giống như trường hợp của JMG Bờ Biển Ngà, các học viên sau khi tốt nghiệp cần thi đấu ở giải VĐQG để tích lũy kinh nghiệm.

1 chức vô địch, 2 lần á quân trong 3 năm

Năm 2008, sau 7 năm đào tạo, Học viện Ny Antsika JMG Madagascar khóa 1 đã thi đấu ở giải VĐQG nước này dù các học viên chỉ mới 19-20 tuổi.

Thật bất ngờ ngay trong mùa giải đầu tiên Học viện JMG Madagascar đã đoạt chức vô địch với thành tích thắng 23, hòa 3, thua 3.

Các cá nhân Học viện là tiền vệ Ibrahim Amada (SN 1990) đoạt giải “Cầu thủ xuất sắc nhất”, tiền đạo Carolus Andriamatsinoro (sinh năm 1989) trở thành Vua phá lưới ở giải VĐQG.

Năm 2009, Madagascar JMG về nhì giải VĐQG và tiền vệ Ibrahim Amada lập cú đúp với danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” và “Vua phá lưới”.

Năm 2010, Học viện JMG lại về nhì và tiền vệ Baggio Rakotomenjanahary (sinh năm 1991) trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất” và tiền đạo Calorus đoạt ngôi “Vua phá lưới”.

Đây cũng là lần cuối cùng Ny Antsika JMG Madagascar tham dự giải VĐQG trước khi giải thể vào năm 2012.

JMG Madagascar cũng tham dự Champions League châu Phi nhưng thất bại nặng 0-6 trước US Stade Tamponnais (đảo Reunion thuộc Pháp).

Như vậy, cầu thủ Học viện Mandagascar JMG đều được tạo điều kiện tối đa khi cùng nhau chơi trong một CLB ở các giải VĐQG trong 3 năm liền (2008-2010), sau đó giới thiệu đầu quân cho các nước ngoài.

Chất lượng vẫn vượt trội so với mặt bằng chung

Không giống như Học viện JMG Bờ Biển Ngà thành công khi xuất khẩu cả loạt cầu thủ thuộc hai khóa đầu tiên (sinh năm 1980-1981 và 1983-1984), thì sản phẩm đào tạo của JMG Madagascar chỉ chứng tỏ được chất lượng hạn chế, không xuất sang được sang châu Âu.

Dù vậy so với mặt bằng chung bóng đá Madagascar, sản phẩm của Học viện Ny Antsika vẫn có chất lượng nổi trội

Cụ thể Học viện Madagascar JMG đã có 15 cầu thủ khoác áo ĐTQG, 7 cầu thủ khoác áo ĐT U.23 Madagascar.

Năm 2008, tiền đạo Claudio Ramiadamanana (sinh năm 1988) là sản phẩm đầu tiên được bán cho Muangthong United. Hiện tại Claudio đá cho CLB Romorantin ở giải hạng Tư của Pháp.

Mặc dù không tạo ra được những tên tuổi nổi bật nhưng việc Học viện Madagascar có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu cũng là một thành quả chưa từng có ở đảo quốc này.

JMG Madagascar

Claudio Ramiadamanana (xanh) đang đá ở giải hạng Tư của Pháp

Một số sản phẩm nổi bật của JMG Madagascar

Tiền đạo Carolus – người hai lần giành giải Vua phá lưới Madagascar đang thi đấu cho USM Alger ở giải VĐQG của Algeria (Algeria Ligue 1 Pro).

Tiền đạo Baggio Rakotomenjanahary năm 2011 đầu quân cho US State Tamponaise (đảo Reunion thuộc Pháp) và mới rồi sang đầu quân cho FC Wil là đội bóng thuộc giải hạng Nhì Thụy Sĩ.

Khá nhất là tiền vệ Ibrahim (sinh năm 1990) năm 2011 đầu quân cho JS Kabylie và năm 2012 chuyển sang USM El Harrach đều thuộc giải VĐQG Algeria.

Hầu hết cầu thủ của Madagascar JMG đều khoác áo ĐTQG, trong đó Claudio, Calorus, Ibrahim, Baggio…song trình độ của họ không quá nổi trội để tạo nên bứt phá ngoạn mục như ở JMG Bờ Biển Ngà.

Đến giờ ĐTQG Madagascar vẫn còn rất yếu kém với vị trí 179 trên Bảng xếp hạng của FIFA (kém ĐTVN tầm 50-60 bậc).

JMG Madagascar

Mdagascar là nền bóng đá yếu nhất châu Phi nên thành quả của Học viện JMG Madagascar cũng rất khiêm tốn

Năm 2012, Học viện Madagascar JMG đóng cửa, kết thúc sứ mệnh đào tạo. Các học viên khóa 3 được giới thiệu đến cho các đội bóng khác trong nước để tiếp tục sự nghiệp.

Không giống như như các quốc gia châu Phi ở lục địa, dân Madagascar có gốc gác Nam Đảo (chủng tộc phổ biến ở vùng quần đảo Malaysia và Indonesia) hay gốc Ấn Độ nên những hạn chế về thể chất trở thành một “bức tường” khó vượt qua.

Điểm khác biệt rất lớn giữa giải VĐQG Madagascar và V.League là giải VĐQG Madagascar vẫn nghiệp dư, không thuê mướn ngoại binh nên vì vậy các cầu thủ của Học viện JMG Madagascar đã thể hiện được sự vượt trội trước các CLB trong nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại