Đường không trải hoa hồng
Ngay khi trở về từ ASIAD 14 diễn ra trên đất Incheon (Hàn Quốc), công việc đầu tiên của Bùi Thị Thu Thảo - HCB điền kinh nội dung nhảy xa - là chạy ra đồng giúp mẹ… chặt chuối để bán. Nhà Thảo ở chân núi Ba Vì, tiếng là đất rộng nhưng cũng chỉ trồng chuối, mỗi năm thu nhập khoảng vài chục triệu đồng là hết. Ít ai ngờ, phía sau tấm HCV quý giá trên đất Hàn Quốc là cả một câu chuyện dài. Trước khi ASIAD khai mạc, Thảo đã viết đơn gửi bộ môn điền kinh Hà Nội xin... nghỉ. Một phần, sau 8 năm miệt mài luyện tập, đổ cả mồ hôi và nước mắt, những gì Thảo bỏ ra chưa được ghi nhận xứng đáng. Nhưng chủ yếu, cô nhìn thấy nghiệp VĐV không có tương lai. Cộng với việc cách đây 2 năm, bổ Thảo bất ngờ lâm trọng bệnh đã khiến Thảo phải cân nhắc. Cũng chẳng phải nhìn đâu xa, những đàn chị đi trước của Thảo, cũng có những người đoạt thành tích vang dội ở SEA Games, Châu Á như Bích Hường, Hoàng Lan Anh, Nguyễn Thị Tĩnh… cùng lắm cũng chỉ làm HLV lương ba cọc ba đồng sau khi giải nghệ.
Còn bây giờ, khả năng cao nhất của Thảo cũng chỉ là một… HLV hưởng lương nhà nước. Hết. Cái khó khăn không phải chờ tương lai đến mà ngay từ bây giờ nó đã hiển hiện. Những năm trước, VĐV như Bùi Thị Thu Thảo chỉ được hưởng mức tiền công 80.000 đồng/ngày, nếu là VĐV trẻ thì chỉ nhận tiền công 30-40.000 đồng/ ngày. Tính ra, tiền công cho VĐV cũng chỉ dao động ở mức… 2,5 triệu đồng/tháng. Thêm tiền ăn thì thu nhập mỗi VĐV cũng chưa đến 5 triệu đồng.
Mới rồi, VĐV Phạm Thị Bình - HCV marathon SEA Games 27 - đã phải thốt lên trên facebook về chuyện chị… đánh rơi tiền: “Hôm nay là ngày gì vậy trời, rơi tờ tiền nào không rơi, rơi đúng 2 tờ 500k mới đau chứ, cả tuần làm việc mới được bằng đó. Huhu”. Bình nói không sai, dù đã nhận được hỗ trợ khá nhiều sau thành công vang dội ở SEA Games nhưng thu nhập chính của cô cũng chỉ vẻn vẹn 4-5 triệu đồng/tháng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để có thể mang về thành tích cao, mỗi VĐV hàng ngày phải ăn 4.000- 6.000 kcal. Song, để đáp ứng được lượng kcal này, mỗi ngày, các VĐV phải ăn không dưới 1 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định số 82/2013/QĐ-TTg về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc, thì mức cao nhất hiện nay cho 1 VĐV là tiền ăn 400.000 đồng/ngày/người, tiền công cũng 400.000 đồng/ngày người. Mức ăn cao nhất vẫn chưa đáp ứng được dinh dưỡng, còn tiền công - dù đã là đột phát khi mỗi VĐV có thêm khoảng 12 triệu đồng/tháng - nhưng nên nhớ, chỉ rất ít người được nhận mức này.
Hôm trước, đội tuyển bóng đã nữ nhận hơn 2 tỉ đồng tiền thưởng sau thành công ở ASIAD 14. Tưởng nhiều nhưng khi chia ra, người cao nhất chỉ nhận 90 triệu đồng. Đó là con số quá lớn đối với một cầu thủ nữ khi mà khoản lương hàng tháng họ nhận được ở CLB chỉ là 1,5 triệu đồng, tức là thấp hơn cả một công nhân làm tại khu công nghiệp.
Trông chờ vào đâu?
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức lễ tổ tôn vinh các vận động viên Hà Nội đạt thành tích xuất sắc tại ASIAD 17. Hà Nội làm to là vì họ có 1 HCV ASIAD - HCV cá nhân duy nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Đó là VĐV wushu Dương Thúy Vi.
Ngoài phần thưởng theo chế độ, điều mà Thúy Vi kỳ vọng nhất chính là lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội thực hiện lời hứa… có suất biên chế cho cô. Lâu nay, vì không có tiền nên ngành thể thao chỉ có một “miếng mồi” duy nhất -“suất biên chế” - để kích cầu VĐV. Nhưng biên chế chỉ là để “tồn tại” chứ ai cũng hiểu là mức lương biên chế không đủ đam mê và theo nghiệp thể thao.
Đã từng có lúc, Hà Nội ra chính sách thưởng nhà cho VĐV thành tích cao. Nhưng đến nay, dường như chỉ có duy nhất VĐV wushu Nguyễn Thúy Hiền là người may mắn được cấp nhà. Đà Nẵng, Hải Phòng cũng có thời gian tính chuyện cấp đất, cấp căn hộ chung cư cho VĐV đoạt thành tích cao nhưng cũng chỉ số ít được nhận và thành tích phải thật xuất sắc.
Có những người, cũng được hứa, như trường hợp Nguyễn Thị Thiết ở Hải Dương từng được một doanh nghiệp hứa thưởng nhà. Vậy là phải đến khi Thiết nhờ báo chí lên tiếng, cô mới được “đổi” để sở hữu một miếng đất ở Hải Dương.
Trao đổi với phóng viên, ông Vương Bích Thắng -Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - thừa nhận: Dù đặc thù là một loại lao động nguy hiểm, nặng nhọc, tính trung bình một ngày mỗi VĐV tiêu tốn khoảng 3.000-4.000 calo nhưng mức thu nhập của các VĐV nhìn chung còn thấp, nếu tập luyện tối đa 26 ngày/tháng thì các tuyển thủ quốc gia chỉ được hưởng mức tiền công tối đa là 3,9 triệu đồng/người/tháng. Với các VĐV thuộc các đội tuyển trẻ QG hoặc tập luyện ở các địa phương, mức thu nhập còn thấp hơn thế. Chính vì chế độ tiền công thấp như vậy nên hầu hết các VĐV không có thu nhập tích lũy để đảm bảo cho cuộc sống sau khi nghỉ thi đấu. Hiện tại cũng chưa có chế độ chính sách nào để hỗ trợ cho các VĐV sau khi giã nghiệp, nên khi từ bỏ vinh quang vì tuổi tác, phong độ, các VĐV lại phải lăn lộn kiếm kế sinh nhai. Điều này dẫn đến thực tế là do chế độ, chính sách thấp nên giờ đây, thể thao khó thu hút nhân tài. Thậm chí, việc thể thao VN có dấu hiệu đi xuống ở Asian Games hay Olympic trong thời gian gần đây cũng xuất phát từ sự chưa yên tâm của các VĐV trong tập luyện và thi đấu khi chế độ còn thấp.
“Chúng tôi rất lo" - ông Thắng nói - "Thực tế hiện nay ở các thành phố, việc tuyển vận động viên rất khó, nhiều em rất có tài năng, nhưng gia đình không cho theo tập thể thao chuyên nghiệp, mà chỉ tập cho vui, cho khỏe thôi. So với mặt bằng chung của xã hội thì thu nhập của hầu hết vận động viên thể thao hiện nay mới chỉ ở mức trung bình, thậm chí là trung bình thấp. Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao nhiều hơn, có như vậy thì thu nhập của vận động viên mới khá được, còn chỉ hoàn toàn dựa vào ngân sách Nhà nước để tăng thu nhập cho vận động viên thì cực kỳ khó khăn”.
Cách giải quyết lâu nay đối với các vận động viên thôi thi đấu là có thể tiếp tục theo nghề thể thao bằng cách làm huấn luyện viên, hướng dẫn viên. Một số ít có điều kiện mở CLB thể thao. Với các vận động viên đội tuyển quốc gia, ngành thể thao luôn tạo điều kiện cho các em vừa thi đấu vừa đi học Đại học Thể dục -Thể thao để sau này, khi thôi thi đấu, các em có thể đi làm. Vì vậy, hiện có nhiều vận động viên đội tuyển quốc gia đang theo học Đại học Thể dục - Thể thao.
Nhưng những điều ấy không đủ và nhiều câu chuyện đã mang bóng dáng của bi kịch như trường hợp tuyển thủ môn bóng chuyền bãi biển Trương Hải Yến - bất ngờ gặp tai nạn khi luyện tập cách đây 1 năm - đã phải giải nghệ và chưa biết tương lai thế nào. Hay tuyển thủ Judo Như Ý - chồng mất, phải nuôi hai con nhỏ - vẫn phải vào thảm đấu với hai bầu ngực căng sữa. Đơn giản là nếu không thi đấu, cô sẽ chẳng có gì để nuôi con…