Vị võ sư với vóc dáng thư sinh, khuôn mặt hiền khô Trần Hưng Hiệp (cựu chưởng môn Bình Định Gia) đã trở về với cát bụi, và những câu chuyện về đời võ của con người tài hoa bạc mệnh ấy cũng chỉ còn là những ký ức.
Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ, nơi được coi là “tổ đường” của môn phái Bình Định Gia, mới hiểu được sự ra đi của ông là một mất mát quá lớn lao đối với giới võ lâm đồng đạo.
Căn nhà nhỏ tại khu tập thể cũ kỹ trên phố Nguyễn Qúy Đức (Thanh Xuân) nay là nơi thờ cúng hai vị Chưởng môn lẫy lừng của môn phái Bình Định Gia – Trần Hưng Quang và Trần Hưng Hiệp.
Dù khá chật chội, đơn sơ nhưng đó lại là nơi thiêng liêng với môn phái Bình Định Gia bởi những kỷ vật đặc biệt, với những tấm hình đã bạc màu, chiếc mộc nhân cũ kỹ, in hằn dấu vết thời gian và cả những cây phi tiêu, côn tam khúc đã từng hùng bá thuở nào…
“Cú đấm điện” huyền thoại
Chưởng môn hiện tại của Bình Định Gia – võ sư 23 tuổi Trần Hưng Đạt đã tâm sự với chúng tôi: Nếu võ thuật của cha (cố võ sư Trần Hưng Hiệp) là một sa mạc thì trình độ của em chỉ là một hạt cát trong đó”.
Với Đạt, cha chính là thần tượng lớn nhất trong cuộc đời. Khi được hỏi về võ công của cha, Đạt kể lại với ánh mắt dưng dưng:
“Ba như một vị anh hùng vậy. Nếu bây giờ ba em còn sống, chắc chắn trình độ và nhận thức của em về võ thuật đã ở một cảnh giới khác”.
Theo tiết lộ của Đạt, thân phụ Trần Hưng Hiệp sở hữu một tuyệt kỹ thuộc vào loại dị biệt của võ cổ truyền Việt Nam đó là “cú đấm điện” có một không hai.
Sở dĩ có tên “cú đấm điện” là bởi đòn này được thực hiện với kình lực và nội lực phi thường, thậm chí đòn đánh chưa chạm vào cơ thể cũng có thể tạo ra chấn thương.
Đạt kể, có lần đang dậy võ cho các đệ tử tại nhà, võ sư đã tung một đòn đấm tạo thành một vết đen xạm trên bức tường, từ đó làng võ đã dùng từ “cú đấm điện” để gọi về tuyệt kỹ này.
Để luyện tuyệt chiêu huyền thoại, võ sư Trần Hưng Hiệp đã phải khổ luyện môn hỏa công trong nhiều năm, một tuyệt kỹ hiếm người có thể luyện thành.
Cho tới tận ngày nay, có một kỷ niệm của cha khiến Đạt luôn nhớ mãi. Đó là màn dằn mặt đám côn đồ tại một quán bia ven đường.
Vào một buổi chiều nọ, võ sư Trần Hưng Hiệp đang ngồi cùng vài người bạn ở một quán bia để trò chuyện thì bỗng có nhóm giang hồ ngồi bàn bên đến gây sự.
Thấy bên này toàn mấy người thân hình nhỏ nhắn, mặt mũi thư sinh nên nhóm côn đồ cậy đông ỷ thế ức hiếp.
Sau khi nghe những lời dọa nạt thị uy của đối thủ, Trần Hưng Hiệp vẫn lặng thinh, không nói một lời.
Đang lúc có hơi men bốc hỏa, lại gặp phải “gã dở hơi không biết trời cao đất dày là gì”, đám giang hồ toan cho tụi này một trận no đòn, cho bõ… ngứa con mắt.
Bên kia, mấy người bạn của Trần Hưng Hiệp thấy quân ta yếu thế còn kẻ địch thì vừa đông vừa hung hãn, lại toàn những tên mặt mũi bặm trợn, thân hình như hộ pháp nên không ai dám động thủ.
Lập tức, một tên trong đám giang hồ bước tới định ra đòn, nhưng Trần Hưng Hiệp nhanh như cắt bật dậy né đòn rồi nói “chúng tôi không muốn đánh nhau”.
Nhóm côn đồ càng được thể lấn tới, một tên hộ pháp định tung một cú đấm “thôi sơn” thì vị võ sư trẻ liền gạt tay chống đỡ rồi đẩy nhẹ khiến kẻ địch ngã nháo nhào.
Tiếp đó, gã thư sinh với khuôn mặt lạnh lùng đã cầm vào đáy của chiếc cốc bia, bóp một nhát vỡ vụn. Tay còn lại, võ sĩ tung một cú đấm sấm sét vào bức tường, tưởng chừng trời long đất lở.
Đến lúc này cả đám giang hồ mới hay biết đã trót động phải bậc cao thủ, liền lập tức xin lỗi, không tên nào dám ho he nửa câu, để rồi tất cả cùng… ù té quyền!
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Sơn (mẹ của cố võ sư Trần Hưng Hiệp), sinh thời võ sư Trần Hưng Hiệp theo học hầu hết các môn võ nổi tiếng trên thế giới, cứ nghe thấy ở đâu có thầy giỏi là lập tức đến xin lĩnh hội.
Thời còn rất trẻ, ông từng theo học một cao thủ người Việt là bậc thầy môn võ Systema của Nga. Người này có cách dạy võ vô cùng tàn bạo và cực “dị” đó là thường xuyên đánh các đệ tử cho bằng ngất mới thôi.
Hồi đó đã có rất nhiều các đệ tử bị vị cao thủ này đánh ngất rồi lôi ra tận khu gần nghĩa trang Văn Điển vứt ở đó cho tới khi tự tỉnh lại.
Tuy nhiên chỉ đúng một mình Trần Hưng Hiệp là người học trò duy nhất mà cho dù vị thầy có đánh kiểu gì cũng không thể ngất nổi.
Tuyệt kỹ linh giác công bí truyền và côn tam khúc ảo diệu ngang Lý Tiểu Long
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Sơn và cậu con trai Trần Hưng Đạt, sinh thời võ sư Trần Hưng Hiệp sở hữu một loại công phu độc nhất trên giang hồ, đến nay đã vĩnh viễn thất truyền đó là linh giác công.
Tuyệt kỹ này vô cùng ảo diệu bởi để luyện thành đòi hỏi phải có nội công và khí công ở mức thượng thừa, dù bịt mắt lại cũng có thể cảm nhận được tất cả mọi thứ đang xuyên qua vùng kình lực để từ đó có thể xuất chiêu một cách chính xác từng ly.
Mỗi lần trình diễn tuyệt kỹ này, Trần Hưng Hiệp lại khiến tất cả các môn đệ, thậm chí là cha của mình (cố võ sư Trần Hưng Quang) phải nổi da gà bởi tính chất nguy hiểm, chỉ cần sai một ly cũng có thể cướp đi một sinh mạng.
Thường khi trình diễn linh giác công, Trần Hưng Hiệp đặt một quả táo trên đầu bạn diễn rồi bịt mắt lại. Sau đó ông dùng thanh kiếm sắc lẹm, chém đôi quả táo bằng đúng khoảnh khắc một cái chớp mắt mà không ảnh hưởng tới một gọng tóc.
Trong một lần biểu diễn, Trần Hưng Hiệp gắn một quả táo nhỏ vào một chiếc đinh rồi đặt lên đầu của một vị đồng môn. Tuy nhiên trong một thời khắc mất tập trung, lưỡi kiếm đã lạnh lùng chém đứt đôi chiếc đinh thay vì chém ngang quả táo như thường lệ.
Sau lần đó, nhận thấy màn linh giác công quá nguy hiểm nên thân phụ Trần Hưng Quang đã cấm con trai trình diễn và truyền dạy tuyệt kỹ này cho bất kỳ một ai.
Cũng vì thế mà sau khi Trần Hưng Hiệp qua đời, linh giác công chính thức thất truyền, vĩnh viễn trở thành một tuyệt kỹ huyền thoại.
Sinh thời, Trần Hưng Hiệp còn sở hữu tuyệt kỹ côn pháp từng khuynh đảo làng võ.
Hiện tại trong tổ đường của Bình Định Gia vẫn còn lưu giữ một chiếc côn tam khúc là kỷ vật đặc biệt được gia đình hết mực nâng niu.
Theo lời kể của Trần Hưng Đạt cũng như sự thừa nhận của giới võ lâm, xét về thứ binh khí này thì ở Việt Nam không ai qua được Trần Hưng Hiệp.
Thậm chí Trần Hưng Đạt còn khẳng định rằng: “nếu ở Trung Quốc có Lý Tiểu Long đánh côn nhị khúc thì ở Việt Nam cũng có côn tam khúc của Trần Hưng Hiệp”.
Vốn tính khí điềm đạm, ôn hòa hệt như một thư sinh, lại được thừa hưởng tố chất nghệ sĩ (là một diễn viên Tuồng) giống như thân phụ, Trần Hưng Hiệp không mặn mà với việc tỉ thí, phân thua thắng bại trên võ đài.
Tuy nhiên đời võ của ông cũng từng trải qua những trận chiến bất đắc dĩ. Trần Hưng Đạt kể lại, đã có lần cha anh đơn thương độc mã, chỉ cầm một cây đoản côn chiến đấu với gần 20 người có hung khí.
Côn pháp của ông vi diệu đến mức những người mục sở thị chỉ có thể nghe thấy tiếng côn vun vút chứ không thể nhìn rõ chiêu thức của ông như thế nào.
Và rồi cả đám gần 20 địch thủ cứ lần lượt dạt ra còn Trần Hưng Hiệp vẫn lạnh lùng, gương mặt chẳng hề biến sắc.
Cũng theo các thành viên trong gia đình kể lại, một tuyệt kỹ nữa của Trần Hưng Hiệp khiến môn phái và giới võ lâm đồng đạo rất tự hào đó là kỹ năng phi tiêu bách phát bách trúng.
Ngón công phu này được truyền lại từ cụ Tế Công (người được coi là sáng tổ môn phái Vịnh Xuân Việt Nam).
Để luyện thành bí kíp này, Trần Hưng Hiệp đã sử dụng chính cây mộc nhân của mình làm mục tiêu. Dễ hiểu vì sao, qua thời gian đến nay chiếc mộc nhân tại tổ đường vẫn còn chi chít những vết găm do các cây phi tiêu để lại.
Sinh ra để học võ và sớm được tôn sùng làm một đại võ sư ở ngưỡng tuổi 30 nhưng giống như một định mệnh, ông đã vĩnh viễn rời xa gia đình, xa làng võ sau một tai nạn giao thông vào năm 1996.
Sự ra đi của một con người tài hòa bạc mệnh đã để lại tiếc nuối và một khoảnh trống mênh mong trong lòng bao người yêu võ Việt.
Nhưng với Bình Định Gia nói riêng và nền võ thuật cổ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung, những di sản mà cố võ sư Trần Hưng Hiệp để lại vẫn sẽ trơ gan cùng tuế nguyệt, những giai thoại về ông sẽ mãi chẳng phai mờ theo thời gian.
Sinh thời, cố võ sư Trần Hưng Hiệp đã sáng tạo ra nhiều binh khí và mỗi bài ông lại truyền dạy cho một đệ tử khác nhau.
Theo con trai Trần Hưng Đạt, đến nay đại đệ tử của cha hiện vẫn còn khoảng 7-8 người.
Trong đó nổi tiếng có một số nhân vật như Dũng Tự tượng với bài quyền tứ tượng, chú Kiên với bài Thiên Long bát bộ, chú Thành “lùn” với bài xà quyền, Điểm hoa kiếm, chú Toa với bài Sa hoa thương…