Chúng ta hay dùng một từ có vẻ “nặng nề” đó là “xuất khâu cầu thủ” nhưng thực tế, việc đi đây, đi đó đá bóng là chuyện quá đỗi quen thuộc với cầu thủ nhà nghề.
Vấn đề là có quen đi hay không và có ích lợi gì hay không. Ví dụ như V.League mà có chất lượng tốt, thì đi làm gì.
Còn nếu thấy đá V.League không có khả năng phát triển tài năng, đi là một giải pháp không tồi dù cũng chẳng ai biết tài năng có được nâng cánh hay không.
Cũng vì cứ nghĩ đến chuyện "xuất khẩu cầu thủ” nên người ta hay quan tâm chuyện chỗ đến. Đại loại, có đi thì nên sang Nhật, sang Hàn Quốc thì mới gọi là đi.
Chẳng thấy ai đề cao chuyện sang Thái Lan thi đấu dù ở thời đỉnh cao của V.League, các tuyển thủ Thái Lan ào ạt sang Việt Nam đá bóng và ĐT Thái vẫn cứ “trên cơ” ĐT Việt Nam.
Chính vì vậy, chuyến đi của Công Phượng, Tuấn Anh dù mang ý nghĩa gì cũng là một sự khai phá.
Lần này, khác hẳn những lần của Huỳnh Đức sang Trung Quốc hay Lê Công Vinh sang J.League 2 bởi với độ tuổi của mình, 2 cầu thủ trẻ của HAGL “đi học” thật sự.
Họ có thể thất bại nhưng điều khác biệt là họ có thể làm lại so với những cầu thủ đã thành danh. Nhìn chung, sự mất mát sẽ ít hơn những điều thu lượm được.
Bóng đá Việt Nam luôn thất bại ở điểm này. Chúng ta muốn có một nền bóng đá tiên tiến, lúc nào cũng tuyên bố sẵn sàng học hỏi nhưng mười mấy năm qua, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những chuyến tham quan, học hỏi ngắn ngày.
Cầu thủ của chúng ta có chất lượng để được những đội bóng châu Á quan tâm nhưng thử hỏi, các nhà điều hành bóng đá đã chuẩn bị gì cho họ?
Một cầu thủ được ra nước ngoài thi đấu chẳng khác gì một sứ giả, một “điệp viên” chất lượng rất hữu ích cho bóng đá Việt Nam, nhưng cơ hội được đi nước ngoài là quá ít và nếu có đi, gần như hoàn toàn cô độc.
Chẳng có ai hỗ trợ tốt bằng VFF bởi đây không đơn thuần là câu chuyện của cầu thủ mà là một phần thể diện của nền bóng đá.
Vậy nên, thấy cái cảnh Công Phượng cùng đại diện của HAGL có mặt tại Nhật nhưng chẳng thấy người của VFF đi kèm thật đáng để suy nghĩ.
Đây là một câu hỏi khác cho năng lực và những công việc thực sự của VFF.
Hệ thống các giải đấu đều giao cho người khác, đội tuyển thì khoán trắng cho HLV, kinh doanh thì cũng chẳng có việc để làm, bóng đá học đường thì không triển khai, ngay đến chuyện quan tâm những cầu thủ đại diện cho nền bóng đá ra nước ngoài cũng chẳng thấy.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng có lý do để muốn cắt giảm nhân sự của bộ máy VFF nhưng xem chừng chính những chiếc ghế cao cấp nhất của VFF thực ra cũng đâu có làm gì…