Công Phượng du học và chuyện rèn một đội tuyển

Phúc Lâm |

Cứ mỗi kỳ SEA Games hay AFF Cup, báo giới lại làm nóng lên những câu chuyện kiểu như Indonesia vừa gọi về một lứa cầu thủ được tập huấn, học việc ở Serie A, Philippines vừa nhập tịch rất nhiều hảo thủ từ các CLB hàng đầu châu Âu hay Myanmar cũng kịp cho ra lò lứa cầu thủ “hay mọi nhẽ” xuất thân từ 3 lò đào tạo kiểu HAGL Arsenal JMG.

Thực tế thì ở các giải khu vực, quân ta thua nhiều hơn thắng, nhưng chủ yếu thua Thái Lan, rồi Singapore, Malaysia và mới đây nhất U23 VN thua U23 Myanmar ở bán kết đầy tiếc nuối.

Như vậy, đã không có chuyện hễ cứ đối thủ đưa quân từ lò nọ lò kia, nhập tịch thì quân ta thua. Đơn giản, đó chỉ là đội quân “gà nòi” đưa đi đào tạo rồi được tung vội vã vào thi đấu.

Hơn nữa, các cầu thủ nhập tịch kia, cơ bản vì không đủ sức trụ được ở các giải bóng đá lớn nên phải tìm đường lùi. Có thể họ không hề yếu, nhưng việc tìm ra bài vở để khắc chế họ là điều không khó.

Hãy nhớ lại chính bóng đá Việt, khi Công Vinh sang Bồ, sang Nhật rồi trở về và thi đấu V-League, hơn hay là kém xưa.

ĐT Việt Nam hay U23 VN từng vượt qua Philippines, Đông Timor hay mới đây đội Đài Loan.

Câu chuyện là làm sao vượt qua người Thái, với nền tảng đào tạo cơ bản trong nước và tập huấn cọ xát nước ngoài với khát vọng lớn, cách làm bài bản và vượt hẳn lên tầm khu vực.

Sau thành công của các lò SLNA, Đồng Tháp, sự xuất hiện lò liên kết và chất lượng của HAGL là một cách làm hay và sớm có kết quả, nhất là khôi phục lòng tin về sự phát triển của bóng đá Việt.

Việc sớm đưa vào các giải đấu trong và ngoài nước nhanh chóng cho thấy nhiều điểm yếu từ tầm lãnh đạo cho tới cung cách đào tạo một đội bóng và năng lực của từng cầu thủ.

Nay đang ồn chuyện Công Phượng, Tuấn Anh,… đi tìm một môi trường bóng đá tốt hơn, trong lành hơn để phát triển.

Cần tôn trọng ý tưởng và cách làm này, vì ít nhất đó là cơ hội trưởng thành cho những cầu thủ tiềm năng và nâng tầm cho bóng đá Việt.

Vấn đề là khi trở lại gia nhập đội tuyển VN, U23 Việt Nam hay chính HAGL , những cầu thủ này sẽ thi đấu như thế nào?

Thời Thể Công đi tập huấn nước ngoài rồi về thi đấu cực hay nay không thể áp dụng được nữa và cũng không nên, vì căn cốt nhất vẫn là nền đào tạo trẻ và một giải VĐQG chuyên nghiệp đúng nghĩa, không thể cứ lấy “gà nòi” ra và coi đó là kết quả, là thành công.

Còn nếu gọi ngay Hoàng Vũ Samson, Đinh Hoàng Max lên tuyển và mong chiến thắng người Thái, người Iraq tới đây thì cũng chỉ là bước đi tạm bợ, vá víu; thậm chí nếu có thắng thật thì cũng ngay ngáy lo sau đó mà thôi.

Cần nhất là đối diện với sự thật khốc liệt của bóng đá Việt mà tìm cách khắc phục những điểm yếu, rèn dũa những phẩm chất cần kip của một tập thể đội bóng, những cá nhân và phát huy cách cầm quân của những vị tướng tài.

HLV Calisto đã làm được công việc khó khăn nhất là chinh phục người Thái tại AFF Cup 1998.

Lạ lùng là “may mắn” ấy chỉ đến một lần rồi đi quá xa bóng đá Việt, dù đã có những người không chịu lùi như bầu Đức. Ông bầu này đã xắn tay lên để làm thật, không tiếc công sức, tiền của, thua keo này bày keo khác..

Nhưng xem ra, “keo khác” này vẫn chưa có cơ sở nào để tin rằng, chúng ta sẽ sớm vươn vượt lên.

Bởi nếu vẫn chọn cách đào tạo kiểu cũ, đẹp và mong manh, cho ra lò những cá nhân chứ chưa phải một đội bóng cá tính hay một đội tuyển và mọi việc vẫn theo kiểu “nóng tay” thì…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại