LTS: Có rất nhiếu ý kiến trái chiều về nghi án tuổi thật của Công Phượng, tuy nhiên có một điểm chung là các ý kiến đều muốn tranh luận trên tinh thần làm thế nào để nền bóng đá Việt Nam không mất đi những hy vọng mới. Để rộng đường dư luận, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của độc giả Đinh Thông - Một cây viết có bút pháp và góc nhìn rất riêng. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Cái tên Công Lý và Công Phượng có vẻ đang “hot”. Vội vội vàng vàng lật mở cuốn từ điển tiếng Việt xem định nghĩa về công bằng và công lý thì thấy:
“Công lý: là lợi ích và quyền lợi chung mà mọi người đều công nhận.”
“Công bằng: đánh giá đúng, không thiên vị ai.”
Nếu không có chuyện gì thì người ta đã chả thu hồi một quyển sách có cái bìa... phản cảm in hình diễn viên Công Lý. Bởi xét cho cùng, có kiện thì cũng chỉ kiện vi phạm bản quyền hình ảnh. Công Lý là diễn viên hài nổi tiếng, quen biết với nhà đài nên chả tranh cãi chuyện đấy. Người nhà mà! Phải thế, nên cả ê kíp tìm cái "công" khác.
Xét một hồi thì đó là "công bằng". Mà khổ cái, công bằng là mục tiêu được hướng tới nhưng đâu dễ gì đạt được. Đòi công bằng chốn quan trường thì đao to búa lớn. Động vào showbiz thì ông bầu, bà sô, rồi quản lí nọ, công ty kia chắc cũng chả dễ chơi.
Thôi thì người ta chọn cậu bé mới có chút danh tiếng!
Để đi tìm "công bằng", các phóng viên đến tận quê nhà của cậu. Rồi sau dăm lần bảy lượt đi đi về về, họ cũng tìm ra được chứng cứ mâu thuẫn với việc Công Phượng sinh năm 1995. Chứng cứ rành rành ra đấy, giờ thì:"Công Phượng ơi! Xin em hãy lên tiếng!"...
Nói thì dễ lắm. Em lên tiếng để thừa nhận điều gì? Thừa nhận là VFF sẽ cấm em thi đấu từ 1 đến 5 năm. Thừa nhận là tương lai bóng đá của em coi như kết thúc. Thừa nhận là Việt Nam sẽ mất đi một tài năng, một tình yêu bóng đá? Hay em lên tiếng để thừa nhận rằng có hàng triệu người hâm mộ sẽ thêm một lần vụt tắt niềm tin vào bóng đá Việt Nam. Niềm tin mà chỉ mới đây thôi, nhờ bước chạy, cú sút của em trên sân Mỹ Đình trước ngàn vạn khán giả, niềm tin ấy mới chỉ le lói thắp lên.
Đi tìm "công bằng" thì đừng quên đi tìm "công lý" (cứ tạm gọi chuyện lợi ích lớn cho số đông là "công lý", chứ không phải khái niệm công lý thông thường). Chẳng cần khảo sát gì đâu xa. Cứ nhìn lượng bình luận, đăng tải, chia sẻ của cư dân mạng cũng hiểu được công lý trong chuyện này ở chỗ nào.
Công lý thuộc về người mà cả đất nước đặt hy vọng và niềm tin. Công lý thuộc về hơn 80 triệu con người đang mong mỏi bóng đá Việt Nam có được một nhân tài. Công lý thuộc về tương tai của Công Phượng sau 5, 10 năm nữa, thuộc về những gì mà em có thể mang lại cho con tim khát khao vinh quang của triệu triệu người dân Việt Nam.
Công bằng và công lý nhiều lúc không ăn nhập với nhau. Bao scandal của bóng đá đã nói lên điều đó. Từ vụ Suarez cắn người, Zidan húc đầu, Maradona với bàn tay của Chúa ... nhiều "nhà đạo đức" facebook kêu gào đòi "dìm" cái đứa mới tí tuổi đã gian này, lận nọ. Thêm một nhà tư duy khác cũng xung phong làm "sạch" bóng đá nước nhà. Những cá nhân ấy đang cùng đi tìm cái "công bằng" giữa lúc bóng đá Việt Nam đang buổi nhá nhem.
Đi tìm "công bằng" hay đi dập tắt ngọn đuốc sáng soi đường cho tương lai phía trước. Câu hỏi đó chắc thế giới đã có không ít những câu trả lời. "Bàn tay của Chúa" đã mang lại chức vô địch thế giới cho Argentina. Thế giới đòi công bằng nhưng người dân Argentina đòi công lý. "Suarez cắn người" nhưng anh là một nửa sức mạnh của Uruguay năm đó. Thế giới cũng đòi công bằng, đòi đuổi vĩnh viễn Suarez ra khỏi thế giới bóng đá. Nhưng người dân Uruguay không nghĩ như thế. Suarez trở về trong vòng tay của những người yêu mến trân trọng anh. Họ chọn những gì mà Suarez cống hiến cho họ. Niềm vui, nước mắt, sự tự hào. Họ chọn công lý.
Họ làm thế bởi xét cho cùng bóng đá vẫn là bóng đá. Ở đó thành tích quan trọng hơn bất kể scandal nào ngoài đời thực. Ở đó tình yêu quan trọng hơn lí trí. Ở đó tài năng bóng đá quan trọng hơn tuổi tác. Ở đó họ không quan tâm bạn là ai ngoài đời, mà họ quan tâm bạn là ai trên sân bóng.
Nhưng VTV chọn công bằng. Công bằng về gian lận tuổi. Công bằng cho hàng ngàn, hàng vạn vận động viên khác không được cái quyền "ăn gian" tuổi như họ đặt ra cho nghi án Công Phượng. VTV không sai. Nhưng trong bóng đá (ở Việt Nam và thế giới) câu chuyện gian lận tuổi không còn mới. Nó giống như một căn bệnh xã hội mà người lớn tiêm nhiễm cho bọn trẻ con khi vừa tròn 7, 8 tuổi. Công Phượng lúc đó chắc vẫn còn hồn nhiên và vô tư. Mối bận tâm duy nhất mà cậu bé ấy biết là làm sao được chơi bóng cho thỏa đam mê của mình. Lỗi của người lớn, nhưng bây giờ các em phải chịu? Lỗi của hệ thống thể thao nhưng giờ hủy hoại một tài năng, một ước mơ? Liệu có công bằng không?
Trong mắt tôi, một nhà báo chân chính là người tìm ra công bằng, tìm ra công lý nhưng hơn hết họ cũng là người thắp lên những ước mơ và bảo vệ ước mơ. Bao ước mơ học giỏi thoát nghèo, bao ước mơ thoát khỏi bệnh tật ốm đau nhờ những nhà báo có tâm đã được thắp lên. Cái ham muốn tìm ra "sự thật" đã dập tắt đi ước mơ của một cậu bé tài năng và nhân cách.
Là một người bình thường, tôi chỉ mong Công Phượng ĐỪNG LÊN TIẾNG. Em cứ tập trung vào trái bóng, vào đôi chân và để trái tim tràn đầy máu nóng với cái đầu thật lạnh.