Việc Công Phượng không có tên trong danh sách đề cử Quả bóng Vàng 2015 chỉ là sự tiếp nối của năm 2014.
Năm ngoái, Công Phượng cũng chỉ có tên trong danh sách đề cử cho hạng mục giải thưởng Cầu thủ trẻ (và thua người đồng đội Tuấn Anh). Tức là Công Phượng bị gạt ra ngoài ngay từ trước vòng gửi xe lần thứ hai liên tiếp.
Quả bóng Vàng là cuộc bầu chọn danh hiệu cá nhân danh giá nhất của bóng đá Việt Nam xưa nay chưa từng ghi nhận một ngoại lệ là những người nằm ngoài danh sách đề cử mà vẫn chiến thắng.
Thế cho nên việc nhắc nhở rằng nếu Công Phượng vẫn nhận được phiếu bầu thì kết quả đó vẫn được tính thực ra không giải quyết được gì nhiều.
Phải nói luôn rằng, đặt ra vấn đề này không phải là sự khẳng định rằng Công Phượng xứng đáng đoạt quả bóng Vàng cả trong cuộc bầu chọn năm ngoái cũng như năm nay.
Sự tỏa sáng, đóng góp của cầu thủ này ở cấp độ đội tuyển cũng như CLB còn thua xa những người nằm trong danh sách đoạt Quả bóng Vàng, Bạc và Đồng năm 2014 là Thành Lương, Văn Quyết, Công Vinh.
Và cũng sẽ rất khó đọ với những người như Anh Đức (Bình Dương), Văn Quyết (HN T&T), Nguyên Mạnh (SLNA)... mùa này.
Nhưng ở khía cạnh đề cử thì khác. Bóng đá Việt Nam từ sau 2008 tới nay khủng hoảng ở các mức độ khác nhau nên nhiều lần chọn cho đủ danh sách đề cử đã là một công việc khó khăn.
Năm nay, trong số 20 cầu thủ được BTC đề cử có những trường hợp như vậy, là Thanh Hào của HN T&T – một người gần đây mới được nhắc tới nhiều hơn do là chủ nhân của pha vào bóng làm Abbas bị gãy chân, là hậu vệ Đinh Tiến Thành của Cần Thơ – đội bóng có hàng thủ kém cỏi thứ hai ở V-League và vất vả trụ hạng , là Vũ Minh Tuấn – một người vật lộn với chấn thương là chính của Than Quảng Ninh...
Liệu những cầu thủ như vậy có thực sự xứng đáng hơn Công Phượng, người có mùa giải không phải xuất sắc nhưng không tồi ở lần đầu đá V-League, và quan trọng, Phượng là cầu thủ xuất sắc nhất của U23 Việt Nam đoạt vé vào vòng chung kết U23 châu Á – giải đấu xuất sắc nhất của một đội tuyển trong năm 2015?
Nếu như không tìm ra được một câu trả lời rõ ràng mà thay vào đó chỉ là sự tranh cãi cho câu hỏi trên thì người viết cũng không bất ngờ.
Vì bản thân Công Phượng và đặc biệt là đội bóng của cầu thủ này, HAGL trong hai năm vừa qua đã tạo nên sự chia rẽ lớn chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam mà một phía là yêu và một phía là ghét.
Ở giải U21 quốc tế do báo Thanh niên tổ chức, một giải đấu có Công Phượng và HAGL cũng thế: Việc rất đông các CĐV mặc áo đỏ đi cổ vũ cho U21 HAGL trong khi U21 báo Thanh niên Việt Nam lại không có được sự cổ vũ tương tự đã gây ra một cuộc tranh cãi.
Truyền thông tranh luận với người hâm mộ. Và người hâm mộ tự tranh luận với nhau.
Ở đây, không bàn tới sự đúng sai của các phía, nhưng có một thực tế: U21 báo Thanh niên Việt Nam dù mang danh quốc gia nhưng lại thiếu tính chính danh vì thứ nhất nó gắn với tên của một cơ quan truyền thông, nó không phải là đội tuyển mà Tổng cục Thể dục Thể thao lập ra giống như các đội tuyển khác, không có trong cơ cấu các đội tuyển được giới thiệu trên website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, thành phần chủ yếu là cầu thủ tiêu biểu từ một giải đấu.
Còn U21 HAGL với Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều chính là lứa cầu thủ đã khoác áo một đội tuyển chính danh - U19 Việt Nam năm 2014, và tạo nên cơn sốt trong dư luận.
Nhưng đáng nói hơn, việc ủng hộ HAGL và yêu mến thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều đôi khi bị đánh đồng với sự ăn theo hay a dua, trong khi tỏ ra dửng dưng với nó và phủ nhận nó lại là thể hiện của một nhãn quan bóng đá khắt khe, chuẩn mực.
Tâm lý ấy bắt nguồn từ chiến lược truyền thông của HAGL mà cụ thể là đôi khi họ cố gắng tô hồng thái quá, trong đó có những phát biểu gây tranh cãi của bầu Đức mang tính phủ nhận phần còn lại của bóng đá Việt Nam để từ đó nâng tầm của HAGL.
Công Phượng vẫn chỉ đua tranh ở hạng mục cầu thủ trẻ như vậy xem ra chỉ là hậu quả.