Đệ nhất anh hùng miền Đông
Trong làng võ tự do, Huỳnh Tiền (1916-1996) là một trong những cây đại thụ, được ví như một đại lão võ sư và là cột trụ sừng sững của làng võ miền Nam.
Nói về võ thuật, Huỳnh Tiền trở thành huyền thoại làng võ tự do nhờ hai môn căn bản tưởng chừng rất đối nghịch với nhau, đó là Thiếu Lâm và quyền Anh, chưa kể tới cả võ cổ truyền.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng tới Yi Long (Nhất Long), một cao thủ Thiếu Lâm của Trung Quốc từng đấu với rất nhiều võ sĩ ở các môn phái khác nhau trên thế giới và giành chiến thắng vang dội.
Tất nhiên giữa Huỳnh Tiền và Yi Long không có mối quan hệ nào bởi hai võ sĩ ở hai thế hệ hoàn toàn khác nhau nên sẽ không thể có chuyện hai võ sĩ đụng độ trên võ đài.
Hơn nữa Huỳnh Tiền chỉ tập Thiếu Lâm nam phái chứ không phải là một nhà sư giống như Yi Long.
Huỳnh Tiền từng làm mưa làm gió khắp các võ đài.
Nhưng cả hai đều có điểm chung là cùng thi đấu võ tự do nhưng có mang dáng dấp của võ thuật Thiếu Lâm kết hợp với các phái võ khác.
Tuy vậy nếu dựa trên thành tích thi đấu để mà làm một cán cân so sánh thì Huỳnh Tiền xứng đáng cho để người hậu bối Yi Long phải kính nể.
Huỳnh Tiền vốn mang dòng máu chuộng võ từ cha (võ sư Huỳnh Văn Hinh) nên từ nhỏ rất say mê võ thuật, lúc nào cũng chỉ mơ ước trở thành một “dũng sĩ”.
Đến năm 15 tuổi, mặc dù gia đình cản ngăn nhưng Huỳnh Tiền vẫn lén học Thiếu Lâm nam phái và võ cổ truyền. Đặc biệt ông dành rất nhiều thời gian lén học quyền Anh với võ sư người Pháp Lepudeur, sau đó trau dồi kỹ năng cùng võ sư Cantérat.
Sau 3 năm chuyên cần khổ luyện, năm 18 tuổi, Huỳnh Tiền lần đầu đặt chân lên võ đài và nhanh chóng trở thành một thách thức thật sự với tất cả mọi võ sĩ thời đó.
Điểm khác biệt so với hai tay đấm đàn anh từng là những nhà vô địch Đông Dương - Kid Dempsey và Minh Cảnh – những võ sĩ chỉ biết đấu quyền anh thì Huỳnh Tiền còn giỏi cả quyền tự do.
Năm 28 tuổi, Huỳnh Tiền chuyển sang thi đấu quyền tự do, từ đó tài năng của ông càng thăng tiến vượt bậc.
Với sự kết hợp quyền anh và quyền tự do, Huỳnh Tiền là người đầu tiên mở ra một hướng mới trong việc đào tạo võ sĩ thượng đài.
Trong suốt sự nghiệp, Huỳnh Tiền từng hạ nhiều tay đấm sừng sỏ như Võ Châu Long, Hồ Thanh Xuân (Bình Định), Trần Văn Ngọ (tức Kim Sang - Quảng Ngãi), Phan Thành Sự (Bến Tre), Lý Soul, Văn Thọ (Campuchia).
Hay nhiều tay đấm lừng danh khác như Văn Hoán (vô địch Bắc kỳ), Trịnh Thiếu Anh (Khánh Hòa), Trần Cơ (Hải Phòng), Lê Hữu Vĩnh (Kiên Giang), Nguyễn Son (vô địch miền Tây)... đều trở thành bại tướng dưới những nắm đấm của Huỳnh Tiền.
Trong số các võ sĩ đương thời, chỉ có “Võ vương” Minh Cảnh (vô địch Đông Dương) là thắng được Huỳnh Tiền một trận, còn lại cũng phải chịu 2 trận thua và một trận hòa trong tất cả 4 lần so găng.
Theo một số tài liệu thì cũng có lần Huỳnh Tiền để thua người bạn của mình là “Hùm xám miền Trung” - võ sĩ Hà Trọng Sơn.
Tuy nhiên hai võ sĩ này đã trải qua nhiều cuộc tái đấu để học hỏi lẫn nhau và thành tích thắng bại là không chênh lệch nhiều.
Giới võ lâm còn kể lại, lần thượng đài cuối cùng, trong khi võ sư Hà Trọng Sơn cao to, nặng trên 80 kg thì võ sư Huỳnh Tiền chỉ tầm trên 50 kg nhưng hai người thi đấu rất cân tài, cân sức.
Cả hai đánh đến khi đều mệt nhừ mà vẫn không phân thắng bại nên trận đấu khép lại kết quả hòa.
Trong sự nghiệp, Huỳnh Tiền đoạt rất nhiều thành tích lừng lẫy như các chức vô địch VN (quyền anh và quyền tự do) năm 1948, 1949, 1953, 1965.
Những chiến thắng vang dội này khiến ông được báo chí Sài Gòn tôn vinh biệt danh “Con cáo già”, “Đệ nhất anh hùng miền Đông”, “Cây trụ đồng sừng sững của làng đấm miền Nam”.
“Con cáo già” với lối đánh siêu “quái”
So với các võ sĩ đương thời thì Huỳnh Tiền là một trong số ít ỏi có sự đa dạng trong phong cách chiến đấu trên võ đài, bắt nguồn từ nền tảng của nhiều môn võ khác nhau.
Giới võ lâm cũng thừa nhận, Huỳnh Tiền là một võ sĩ không khi nào biết “rét” trước một địch thủ dù cho có hung hãn đến mấy.
Với việc tập luyện cả Thiếu Lâm nam phái, võ cổ truyền và quyền Anh khiến Huỳnh Tiền sở hữu lối đánh cực kỳ biến hóa.
Lối đánh của huyền thoại này lúc cương lúc nhu, khi điềm tĩnh lúc lại mạnh mẽ như vũ bão, khiến nhiều đối thủ thua mà còn không biết mình thua vì sao.
Tuy vóc người thấp bé nhưng đặc biệt là Huỳnh Tiền được thiên phú cho bước di chuyển linh hoạt uyển chuyển như… múa ba lê, dựa trên một nền tảng thể lực cùng sự dẻo dai đáng kinh ngạc.
Đặc biệt hơn nữa, Huỳnh Tiền trở nên “bá đạo” như vậy, ngoài các yếu tố kỹ thuật thì đó chính là lối thi đấu khôn ngoan, điềm tĩnh, luôn hạ knock-out đối phương ở những thời khắc ít ai ngờ tới.
Chính lối thi đấu “ranh mãnh” đã đưa Huỳnh Tiền đoạt chức vô địch VN (quyền anh và quyền tự do) năm 1948, 1949, 1953, 1965 và rất nhiều trận thách đấu khác để trở thành “Con cáo già” trong làng đấm đất Việt.
Có một võ sư từng nhận xét về Huỳnh Tiền: “Cáo có nghĩa là không phải lúc nào cũng đâm đầu vào để cho địch thủ làm bao cát…
Mà con cáo già này biết tiến lui tuỳ lúc, địch mạnh ta thủ, địch yếu ta tấn công, địch khiêu khích ta bình thản, nhưng khi địch sơ hở là con cáo ra đòn hạ gục đối thủ. Đối phương mà leo lên sàn đài thách thức là chỉ có đường thân bại danh liệt”.
Chính võ sĩ Huỳnh Tiền cũng từng đúc kết rằng: “Đánh võ như đánh giặc, tại sao mình tốn sức với kẻ còn quá dũng mãnh, hãy chờ đến khi nó hết hơi thì mình tấn công, thắng đến 99%”.
Về sau, Huỳnh Tiền sáng lập võ phái Huỳnh võ đạo, với lối đánh tổng hợp theo phong cách hiện đại.
Ông cũng chính là người có công phát hiện và đào tạo nhiều tay đấm sừng sỏ như Dương Văn Me, Remy Huỳnh, Michael Huỳnh, Hiệp Huỳnh, Vũ Bảo, Huỳnh Sơn, Lý Huỳnh… và trở thành một trong những tượng đài lớn nhất trong làng võ VN thế kỷ XX.