Cờ vua Việt Nam nan giải bài toán "đầu tiên"

havan |

Riêng về việc thuê chuyên gia ngoại, ông Thắng cho biết đến thời điểm này vẫn chưa thấy Liêm đề xuất gì.

Thắng 1 ván, hòa 4 ván, gặt 3 điểm, đứng hạng 2, và chỉ chịu đứng dưới cao thủ hàng đầu thế giới Kramnika, thành tích của Lê Quang Liêm sau giai đoạn lượt đi giải Sparkassen Chess Meeting 2001 tại Dortmund (Đức) rõ ràng là rất ấn tượng. Thế nhưng giải đấu này, xét cho cùng cũng chỉ là một bước tập dượt cho giải Vô địch thế giới sẽ diễn ra vào tháng tới tại Nga. Và với Quang Liêm, những bất cập trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu quan trọng tầm thế giới thực sự đang xuất hiện.

Cần phải nhắc lại rằng trong 3 giải vô địch thế giới gần đây nhất (được tổ chức 2 năm/lần), Lê Quang Liêm đều không vượt qua được vòng 1. Tuy nhiên, theo Ban huấn luyện ĐT cờ vua Việt Nam thì thời điểm ấy dẫu sao Liêm vẫn là một kỳ thủ quá trẻ, và quá non kinh nghiệm.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi Liêm ngày một trưởng thành, chững chạc hơn thì cái mục tiêu vượt qua vòng 1 và thi đấu đấu thật tốt ở giải vô địch thế giới là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của bản thân tuyển thủ này, một điều quan trọng để biến cái "có thể" thành sự thực chính là việc Liêm cần phải có một HLV tốt để kèm cặp. Phần lớn những chuyên gia cờ Việt Nam hiện nay đều thừa nhận các HLV trong nước không thể đảm đương công việc đó, do vậy, việc thuê chuyên gia ngoại cần thiết phải tính đến.

Cách đây hơn một năm, cũng đã từng có một chuyên gia người Nga kèm cặp Liêm, và thực tế cho thấy nhờ vị chuyên gia này mà Liêm đã tiến bộ rất nhiều. Tuy nhiên, tiền thuê chuyên gia lên tới trên dưới 10 000 USD/tháng, và số tiền ấy hoàn toàn do gia đình Liêm chi trả. Vậy để chuẩn bị cho giải vô địch thế giới sắp diễn ra, phải chăng gia đình Liêm vẫn phải tự bỏ nguồn chi phí khổng lồ này?

Một trận đấu giữa Lê Quang Liêm và Nakamura ở giải Sparkassen Chess Meeting 2001 tại Dortmund (Đức).

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tất Thắng - Tổng thư ký Liên đoàn cờ Việt Nam cho biết: "Hiện tại, hàng tháng Liêm vẫn đều đặn nhận được khoảng 15 triệu đồng tiền lương của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra với tư cách một tuyển thủ Quốc gia đặc biệt, Liêm cũng nhận được khoảng 5 triệu đồng/tháng từ Tổng cục TDTT, và đấy là một sự hỗ trợ đáng kể của ngành thể thao đối với một tài năng đặc biệt".

Riêng về việc thuê chuyên gia ngoại, ông Thắng cho biết đến thời điểm này vẫn chưa thấy Liêm đề xuất gì. Tuy nhiên, những người am tường đời sống cờ vua cho rằng ngay cả khi Liêm có đề xuất thì việc tìm kinh phí để thuê HLV ngoại cho Liêm vẫn là một điều cực kỳ nan giải. Bởi một năm kinh phí mà ngành thể thao rót cho môn cờ, bao gồm cả cờ tướng lẫn cờ vua cũng chỉ vào khoảng 80.000 USD.

Nhưng chẳng nhẽ với bài toán "đầu tiên" luôn luôn nóng bỏng ấy mà gia đình Liêm vẫn buộc phải tự bỏ tiền thuê thầy cho con như đã làm hay sao? Và chẳng nhẽ nếu gia đình Liêm lần này quyết định không bỏ tiền, đồng nghĩa với việc Liêm không có được một điều kiện chuẩn bị và thi đấu tốt nhất ở giải đấu số 1 của các cơ thủ thì cờ vua Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung sẽ mất đi một cơ hội chứng tỏ mình trên đấu trường quốc tế hay sao?

Thiết nghĩ, ở một thời đại mà dấu ấn đặc biệt của một cá nhân và thành tích nổi trội của một VĐV có thể làm vẻ vang cho cả một đất nước thì câu chuyện của Lê Quang Liêm có lẽ không chỉ là chuyện của riêng ngành thể thao, càng không phải là chuyện của riêng một Liên đoàn cờ bé nhỏ.

Theo Cand.com.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại