Vô địch sân nhà
Tỉ mẩn dành thời gian thống kê lại số lượng khán giả đến Sân vận đông (SVĐ) Pleiku, mỗi khi HA.GL thi đấu tại đây, sau 13 lượt trận, con số này lên tới 129 ngàn lượt người.
Rất có thể con số này sẽ tăng cao, nếu như sức chứa khán đài SVĐ Pleiku không bị đóng khung kịch trần khoảng 12 ngàn ghế ngồi.
Đây là nguyên nhân khiến trận đấu khai màn giữa HA.GL tiếp Sanna Khánh Hòa BVN bị “vỡ sân” ngay trong ngày đầu Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… trình làng V.League.
Thế nhưng chừng đó cũng đủ giúp đội chủ sân Pleiku thống trị ngôi đầu trong tổng số 14 đại diện có mặt ở mùa giải năm nay
Đứng sau HA.GL là Than Quảng Ninh. Tính đến thời điểm hiện nay đội bóng đất Mỏ vẫn còn một trận chưa đấu, khi họ tiếp Đồng Nai đang “hấp hối” bên bờ vực rớt hạng vào chủ nhật này.
Sau 12 lượt trận được chơi trên sân Cẩm Phả, có gần 110 ngàn lượt khán giả đến sân (trung bình mỗi trận 9.041 người).
Sân nhà của đội vô địch B.Bình Dương thu hút trung bình 7.961 người/trận, của Hà Nội T&T (5.115 người). Đội có số lượng khán giả đến sân nhà cổ vũ hẻo nhất là XSKT Cần Thơ (trung bình 3.576 người/trận).
Lượng khán giả đến sân càng đông, đội chủ sân càng ấm túi. Trung bình mỗi trận đấu trên sân Pleiku, Câu lạc bộ HA.GL thu về số tiền từ bán vé khoảng trên 300 triệu đồng.
Vị chi sau 13 lượt trận, tổng số tiền từ nguồn thu này mang về cho đội bóng bầu Đức khoảng 4 tỷ đồng.
Trung bình mỗi trận đấu, sân Pleiku đón nhận 9.900 khán giả.
Vô đối sân khách
Như đã nói ở trên, vì sức chứa sân Pleiku nhỏ, dẫn đến lượng khán giả đến sân có phần hạn chế, tuy nhiên mỗi khi HA.GL đi làm khách trên sân đối phương, hầu như kéo theo hiệu ứng dây chuyền “vỡ sân” đến đó.
Nói không ngoa, có thể coi đoàn quân của huấn luyện viên Graechen trước đây, bây giờ là Nguyễn Quốc Tuấn, chẳng khác nào “cỗ máy in tiền” cho V.League.
Trong 12 trận rời xa hậu cứ (chưa tính lần làm khách trên sân của Sanna Khánh Hòa BVN vào chiều 20-9 này), thương hiệu “U19 HA.GL-Arsenal JMG” góp công rất lớn, kéo 199 ngàn khán giả đến sân cổ vũ, trung bình mỗi trận có 16.583 người xem trực tiếp trên sân.
Ngoại trừ lần HA.GL ra làm khách trên sân Than Quảng Ninh ở vòng 19, do trận đấu này diễn ra sau trận lũ lịch sử, nên lượng khán giả đến sân được coi “khiêm tốn” nhất, với 8 ngàn người.
Tất cả các trận đấu còn lại, HA.GL đi đến đâu, đều là tác nhân chính giúp cho đội chủ sân lập kỷ lục về lượng khán giả đến sân ở mùa giải năm nay, thậm chí cả trong nhiều mùa giải gần đây
Chẳng hạn, số khán giả đến sân khi Đồng Tâm Long An tiếp HA.GL là 15 ngàn người, với B.Bình Dương (18 ngàn), Hà Nội T&T (15 ngàn), Đồng Nai (25 ngàn), XSKT Cần Thơ (12 ngàn), Đồng Tháp (13 ngàn), SHB Đà Nẵng (25 ngàn), QNK Quảng Nam (15 ngàn), Sông Lam Nghệ An (20 ngàn), FLC Thanh Hóa (13 ngàn), Hải Phòng (20 ngàn).
Được xem là “cỗ máy in tiền” cho V.League, nhưng nếu giả sử HA.GL rớt hạng trong mùa giải năm nay, chắc chắn bước sang mùa giải mới, lượng khán giả đến sân xem các trận đấu ở giải đấu này sụt giảm nghiêm trọng.
Có lẽ vì vậy mà những người giàu óc tưởng tượng suy đoán rằng, lúc đầu đội bóng Phố núi “bị đánh hội đồng”, sau đó được cả “hội đồng cứu”…