Nếu chỉ tính những trận đấu được FIFA công nhận, ĐT Việt Nam đã đụng độ Triều Tiên tổng cộng 5 lần.
Kết quả chẳng mấy khả quan, đoàn quân áo đỏ hòa 2, thua 3, để lọt lưới 6 lần và chưa có nổi một bàn thắng.
Ngay kể cả khi ĐT Việt Nam sung sức và được chơi trên sân nhà, chúng ta vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong việc tìm đường vào khung thành của đối thủ nặng ký này.
Cũng phải thôi, trong làng bóng đá châu Á, Triều Tiên là đội bóng thuộc loại có “số má”.
Họ chưa đủ mạnh để cạnh tranh ngôi vị số một nhưng để vượt qua Triều Tiên, các “ông lớn” đều phải mất nhiều công sức.
Chọn đội bóng đến từ Đông Á làm “quân xanh”, HLV Miura muốn đạt được 2 mục tiêu: Kiểm tra thể lực các học trò và thử thách những cầu thủ trên hàng công.
Tính từ lần gặp Triều Tiên gần nhất, ĐT Việt Nam còn sót lại 2 nhân tố Công Vinh và Quang Hải.
Cả hai đều là tiền đạo và đặc biệt khát khao trả món nợ thua 0-2 ngay tại Hà Nội năm 2010.
Dù vậy, Công Vinh lẫn Quang Hải đã quá quen thuộc trong màu áo ĐT Việt Nam. Lối chơi, cách di chuyển của cặp đôi này không còn lạ gì với đối thủ.
Các cầu thủ tấn công còn lại như Văn Quyết, Hải Anh cũng ở vào tình trạng tương tự. Vì đã “nhẵn mặt” ở ĐTQG, cả hai đều khó tạo ra những bất ngờ cho Triều Tiên.
Để tìm kiếm sự khác biệt, HLV Miura có thể trông chờ vào Công Phượng. Trong màu áo U19, Phượng gần như đã bộc lộ hết ưu điểm và dần bị bắt bài.
Tuy nhiên khi lên cấp độ cao hơn, mỗi trận tiền đạo xứ Nghệ lại có một khám phá mới. Cách nghĩ và cách đá cũng thay đổi theo.
Công Phượng khó giành suất đá chính trước Triều Tiên. Nhưng nếu được vào, anh sẽ tạo ra được những đột biến, thổi luồng gió mới vào đội tuyển.
Biết đâu đấy nhờ Phượng mà đoàn quân áo đỏ lại lần đầu sút tung lưới Triều Tiên hoặc xa hơn, tìm kiếm một chiến thắng.
>>> Chiến binh đa năng của ông Miura