Làm TNV để có thêm tiền gửi gia đình
Hôm mới bắt đầu Asiad 17, chúng tôi tình cờ gặp chị Lê Thị Tuyết Mai, một phụ nữ Việt lấy chồng ở Hàn Quốc và đang làm TNV hỗ trợ đoàn thể thao VN. Nếu như hôm mới gặp chị Tuyết Mai vui vẻ bao nhiêu thì khi gặp lại chị để chào tạm biệt trước khi Asiad 17 bế mạc, trông chị ưu tư buồn bấy nhiêu bởi khi Asiad 17 kết thúc cũng đồng nghĩa với cuộc sống của chị lại trở về với cảnh bấp bênh...
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Cần Thơ, chị Tuyết Mai sang Hàn Quốc lập gia đình sau khi không tìm được việc làm ở quê nhà dù chị đã tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Cần Thơ. Lấy chồng được bốn năm nhưng hiện chị vẫn chưa muốn có con do chưa tìm được việc làm chính thức (chỉ đang làm công việc nội trợ).
Vì thế ngoài việc đăng ký làm TNV để được gặp và giúp đỡ các VĐV VN, khoản tiền 50.000 won (khoảng 1 triệu đồng) mà ban tổ chức Asiad 17 hỗ trợ cho một ngày làm việc cũng giúp chị Tuyết Mai có thêm khoản tiền gửi về giúp gia đình.
Người Việt Nam ở Hàn Quốc luôn theo dõi và ủng hộ các VĐV quê hương
Chị Tuyết Mai nói: “Gia đình chồng tôi đối xử rất tốt với tôi. Họ luôn tạo điều kiện cho tôi được về quê thăm nhà hoặc như ở Asiad này, chồng tôi vẫn rất vui dù tôi đi làm suốt vì anh ấy biết tôi muốn được gặp lại đồng bào VN. Ngoài ra, tôi muốn có thêm thu nhập riêng để phụ giúp ba mẹ ở quê nhà”.
Sau Asiad 17, chị Tuyết Mai sẽ trở lại với tình cảnh bấp bênh trong công việc khi một mặt chị đang theo học lấy bằng thông dịch viên ở Đại học Gyeongin (Hàn Quốc), mặt khác chị kiếm tiền bằng cách đi dạy văn hóa, tiếng Hàn cho một số gia đình người Việt mới sang Hàn Quốc. Nhưng những công việc này không ổn định và cả tháng chị Mai thường chỉ dạy được vài buổi (trung bình mỗi buổi khoảng 30.000 won).
Niềm vui từ quả bóng của đội tuyển U23 Việt Nam
Lê Thị Diễm và Trương Thị Liên lại ở một trường hợp khác khi tiền bạc không phải là điều quá bận tâm, dù trước đó họ cũng có cuộc sống rất khó khăn.
Năm 2008, khi mới 18 tuổi, cô gái người Kiên Giang Lê Thị Diễm nhận lời lấy chồng Hàn Quốc qua mai mối với mong muốn giúp gia đình thoát cảnh khó khăn. Do chỉ học hết cấp I nên qua đến Incheon, Diễm lao vào học ngay tiếng Hàn và rồi làm tất cả những công việc có thể để có tiền phụ giúp gia đình. Khởi đầu là vào làm ở công ty may, Diễm đi làm thêm tại Hội phụ nữ người Việt ở Hàn Quốc trước khi làm công việc phiên dịch cho Bộ Lao động Hàn Quốc vào đầu năm nay.
Chị Diễm chụp ảnh VĐV Việt Nam làm kỷ niệm
Mỗi tháng chỉ làm việc tám ngày với mức lương 1.100 USD/tháng nên Diễm tranh thủ đi làm thêm ở Hội phụ nữ người Việt ở Hàn Quốc nhằm giúp đỡ các cô dâu Việt mới sang gặp khó khăn và đi học lại văn hóa. Công việc và thời gian dành cho gia đình (có con trai 5 tuổi) kín mít như thế nên khi nghe chồng hỏi mình có muốn đi làm TNV Asiad hay không, Diễm tỏ ra phân vân vì sợ ban tổ chức bắt đi tập huấn công tác TNV suốt cả tháng trời, không thể chu toàn hết được mọi việc. Nhưng sau khi tìm hiểu và được biết ngày nào tập huấn bận thì có thể nghỉ, Diễm đã đăng ký.
Gặp Diễm ở nhà thi đấu karatedo hôm 3-10, cô tâm sự: “Tôi rất vui khi được gắn bó và giúp đỡ đoàn VN. Những ngày qua, dù khối lượng công việc nhiều lúc thật nhiều nhưng tôi vui lắm vì được gặp gỡ và chụp hình với những VĐV nổi tiếng của nước nhà.
Vui nhất là hôm đi cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam trong trận thắng U23 Kyrgyzstan 1-0 ở lượt cuối vòng bảng, tôi được gặp lại những người mà tôi đã giúp đỡ họ trong thời gian làm việc ở Hội phụ nữ người Việt ở Hàn Quốc. Họ cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết tôi làm TNV cho đoàn thể thao VN, khiến tôi cảm thấy tự hào. Tiếc là ngày 5-10 này tôi phải xa mọi người...”.
Tương tự, chị Trương Thị Liên và các cầu thủ U23 Việt Nam cũng tỏ ra bịn rịn trong ngày chia tay trở về nước. Những ngày ở Hàn Quốc, Liên gần như là bà chị của các cầu thủ trẻ VN khi trò chuyện, tư vấn mọi thứ ở Hàn Quốc mà các cầu thủ thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu. Ngày trở về VN, toàn đội đã tặng Liên quả bóng thi đấu tại Asiad 17 có đầy đủ chữ ký của toàn đội khiến chị cảm động suýt khóc. Cầm quả bóng về nhà, Liên chụp hình khoe với mọi người và cũng làm chồng vui lây.
Chị Liên được các cầu thủ U23 rất yêu quý
Liên kể: “Ban đầu tôi cũng ngại ngùng khi đi đăng ký làm TNV cho Asiad vì không biết mình có thể làm công việc gì. Nhưng chồng tôi là người đã ủng hộ 100% và khuyến khích tôi nên đăng ký để có thể giúp đỡ đồng hương của mình khi thi đấu tại Hàn Quốc, cũng như vơi bớt nỗi nhớ nhà do đã lâu chưa có cơ hội về thăm.
Chồng tôi nói chuyện này chỉ có một lần chứ đâu có lần nữa mà không tận dụng để được gặp và giúp đỡ các VĐV VN. Điều đó đã giúp tôi có những ngày rất hạnh phúc khi được gắn bó với các cầu thủ U23 Việt Nam, trò chuyện cùng các em và ủng hộ các em mỗi khi thi đấu. Quả bóng có đầy đủ chữ ký này là món quà kỷ niệm mà tôi giữ kỹ nhất vì đâu phải ai cũng có được”.
Liên lấy chồng và sang Hàn Quốc năm 2006. Sau thời gian học tiếng Hàn và đi làm ở văn phòng luật tại Seoul, Liên đi làm ở trung tâm gia đình đa văn hóa hồi đầu năm nay. Tuy nhiên do kinh phí không có để trả lương, trung tâm đã tạm thời cho Liên nghỉ hồi tháng 7.
Từ đó, chị đi làm phiên dịch cho đồn công an hay tòa án khi cần (50 USD/giờ), đi làm giúp đỡ các cô dâu Việt khác có nhu cầu. Do đó, khoản tiền hỗ trợ 17 USD/ngày của ban tổ chức (làm việc ngày có bốn giờ) dù rất ít ỏi nhưng vẫn khiến Liên cảm thấy hạnh phúc.
Cô nói: “Tôi may mắn có được gia đình chồng rất tốt. Anh ấy ủng hộ tôi đi làm TNV Asiad, còn mẹ chồng tôi cũng dành phần đón con trai 7 tuổi của tôi đi học về buổi chiều và đưa cháu đi học võ taekwondo để tôi yên tâm làm việc”.