U19 Việt Nam thất bại 0-6 trước người Thái, đau và bẽ bàng lắm. Nhưng cần phải nói luôn, mỗi NHM bóng đá Việt đau 1, thì cầu thủ và BHL U19 đau 10.
Bởi chính họ chứ không ai khác, phải chịu nỗi bẽ bàng trực tiếp trước các đối thủ, và trước hàng chục triệu người dân quê hương. Thế nên khi lấy cảm xúc của mình để chỉ trích một tập thể còn rất trẻ, như con em trong nhà, mỗi NHM cần hiểu điều ấy.
Mà nếu chê trách các cầu thủ, hãy nhìn lại ở vị trí CĐV, chúng ta đã làm đúng và đủ những gì cần thiết?
Tạm gạt đi chuyện chê bai, so sánh lứa U19 Việt Nam 2015 với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… mà nhiều CĐV đã làm trong suốt hành trình trước khi tới trận Chung kết.
Chỉ riêng khi đối đầu người Thái, nhiều CĐV Việt Nam đã trình diễn bộ mặt khá phản cảm trên đất Lào anh em. Đành rằng nhóm NHM Thái Lan đã sai khi đốt pháo sáng, gây gổ với an ninh chủ nhà.
Nhưng CĐV Việt Nam cũng có hơn gì? Rất nhiều người cũng đốt pháo sáng, rồi ném chai lọ về phía NHM đối phương với lý do “chính đáng” là vì bên kia họ… “láo”?
Clip CĐV Thái Lan gây gổ với an ninh Lào rồi bị NHM Việt ném chai lọ
Thời điểm U19 Việt Nam thua trận 0-6, vẫn có không ít CĐV bênh vực các em với nhiều lý lẽ khác nhau. Nhưng sự thật đã được phơi bày vào tối 5/9.
Chẳng có CĐV nào tới sân bay Nội bài chào đón những cầu thủ mang về chiếc HCB U19 ĐNÁ 2015. Họ có thể mắng, có thể an ủi, có thể khen trên… mạng xã hội ảo. Còn thực tế, ai cất công đến chúc mừng một đội bóng thất bại làm gì?
Cầu thủ U19 Việt Nam lủi thủi thu hành lý để rời sân bay (Ảnh: Zing.vn).
Bao năm nay, điều đó là rất bình thường ở Việt Nam. Chiến thắng thì là của chung, thất bại tự đội tuyển, BHL và cầu thủ gặm nhấm…
Chẳng phải NHM vẫn muốn bóng đá Việt Nam tiến được tới trình độ, đẳng cấp như nước ngoài, như Arsenal, Liverpool, Man United? Vậy thì song song với sự phát triển của cầu thủ, của BHL, CĐV cũng cần phải tiến lên.
NHM Liverpool có bài hát đã đi vào rất nhiều lòng người mang tên You'll never Walk Alone. Và họ vẫn luôn làm theo lời bài hát ấy, không bao giờ để những cầu thủ con cưng đi một mình, dù thất bại hay chiến thắng.
Mới đây, một cặp vợ chồng fan Liverpool thậm chí còn đặt tên con là YNWA, viết tắt tên bài hát trên. Ở những nền bóng đá phát triển, cổ vũ bóng đá được tiến lên thành một thứ văn hóa, một lẽ sống ngày càng phải tốt đẹp hơn.
Nhưng ở Việt Nam, khái niệm ấy còn xa lạ lắm. Người ta thích thì xem, chán thì bỏ, thua thì chỉ trích. Khi chính CĐV còn chưa chuyên nghiệp, lấy gì để muốn cầu thủ phải tiến lên đẳng cấp thế giới?
Tối 5/9, chắc chắn các cầu thủ sẽ gạt bỏ được ngay sự chán nản, tâm lý tuyệt vọng, buông bỏ để tiến về phía trước nếu chào đón họ, dù ít, là vài chục người. Nhưng thử hỏi khi không ai chào đón, tất cả ghẻ lạnh, những cái đầu, trái tim non trẻ sẽ phải đi về đâu?
Chỉ có tình yêu, sự bao dung mới là thứ sức mạnh lớn nhất đẩy sự tiến bộ về phía trước. Sự ghẻ lạnh, chỉ trích sẽ mang các em tụt lại phía sau. Những ai thật sự yêu bóng đá Việt nên suy nghĩ về điều này.
Nói thì dễ lắm, làm mới khó!