Real Madrid vừa ký hợp đồng với “thần đồng” Na Uy Martin Odegaard với mức lương 60.000 bảng mỗi tuần, chưa kể thưởng.
Bản hợp đồng 5 năm được cho là hơn 2,6 triệu USD này khiến giới chuyển nhượng trố mắt bởi tiền vệ Odegaard chỉ 16 tuổi và trước mắt được bố trí chơi cho đội Castilla thuộc Real Madrid ở giải hạng ba Tây Ban Nha, được dẫn dắt bởi Zinedine Zidan.
Martin Odegaard trở thành cầu thủ được chuyển nhượng có giá cao thứ hai lịch sử bóng đá Na Uy, chỉ sau John Carew, chuyển từ Rosenborg sang Valencia năm 1999 với giá 3,3 triệu USD.
Nhưng Carew lúc đó không còn là “thần đồng” nữa, trong khi Odegaard vừa gia nhập đội tuyển Na Uy năm ngoái khi mới 15 tuổi. Anh nổi lên và được gọi vào đội tuyển bởi lối chơi giàu kỹ thuật với những đường đi bóng lắt léo.
Chính lối chơi này mà bến đỗ Real Madrid có vẻ phù hợp hơn cả dù trước khi ký hợp đồng, Odegaard đã có chuyến tập luyện cùng nhiều CLB nổi tiếng ở Anh và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, khá nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về tương lai của Odegaard khi lịch sử cho thấy nhiều “thần đồng” đã không thể phát triển khi được “quan tâm” quá mức.
Không quá xa, cũng ở ngay Real Madrid, một “thần đồng” đã sụp đổ khi lúc đến được hy vọng bao nhiêu thì lúc đi thất vọng bấy nhiêu, đó là Sergio Canales.
Anh sinh năm 1991, trưởng thành trong màu áo CLB Racing Santander khi mới 17 tuổi đã được chơi cho đội 1.
Cũng ở thời điểm ấy, Canales được xem là tài năng xuất chúng khi ghi 6 bàn cho đội 1 và giúp họ trụ hạng thành công mùa bóng 2009-2010.
Vậy là cuộc đua săn tìm chữ ký “thần đồng” Canales diễn ra sôi động sau đó, và cuối cùng với sức mạnh của mình, Real Madrid đã có được Canales với bản hợp đồng 6 năm trị giá 5,5 triệu USD.
Thế nhưng, thay vì tỏa sáng, Canales chỉ được chơi chưa đến mười trận trong màu áo câu lạc bộ Hoàng gia, để rồi sau đó bị đẩy sang cho Valencia mượn.
Việc bị “vùi dập” ở Real có lẽ khiến “thần đồng” không gượng lại được, từ Valencia anh trôi dạt sang Sociedad và tiếp tục mờ nhạt cho đến nay.
Ở Việt Nam hiện nay, không ít người cũng muốn xây dựng một “thần đồng” với nhiều lý do. Tuy nhiên, có lẽ điều đó không nên, nếu không nói là sẽ tạo ra một tương lai không mấy tốt đẹp cho cầu thủ.
Lứa cầu thủ khóa đầu của Học viện HAGL có kỹ thuật tốt, thi đấu bài bản là niềm hy vọng cho một thế hệ cầu thủ có thể gặt hái thành công nhiều hơn cho bóng đá Việt Nam, nhưng chưa hẳn họ đã là siêu sao.
Rõ nhất là qua 5 vòng đấu V.League, lứa cầu thủ xuất sắc nhất này trong màu áo HAGL đã chứng tỏ mình… còn rất non nớt, từ kỹ thuật đến tư duy chiến thuật đều kém hơn đối thủ.
Vậy mà trước đó, khi V.League 2015 chưa diễn ra, chính những cầu thủ đó được không ít người trong giới quan chức bóng đá nâng lên thành “thần đồng”.
Họ còn tung tin như giá chuyển nhượng Công Phượng “bèo” nhất cũng 2 triệu USD… Cũng may V.League đã đưa mọi thứ trở lại mặt đất.
Đều đáng lo lắng hơn là khi “thần đồng” rơi xuống mặt đất thì người ta lại lấy lý do là họ còn quá trẻ nên non kinh nghiệm là điều hiển nhiên.
Cách lý giải này có khi đúng, nhưng hơi ngụy biện và nguy hiểm trong trường hợp các cầu thủ U19 vừa qua.
Bởi thật sự họ đang bước sang độ tuổi 20, lứa tuổi mà hầu hết cầu thủ chuyên nghiệp trên thế giới đã là trụ cột ĐTQG và chiếm những vị trí vững chắc ở các câu lạc bộ.
Vì vậy, quá cực đoan khi nhìn nhận sự phát triển của một cầu thủ có khi mang lại hậu quả không đẹp cho tương lai chính họ và cả nền bóng đá.