Nhưng tại sao ngay trong khi The Citizens còn ở Việt Nam, và lúc đã rời đi, họ vẫn đang bị chỉ trích nhiều đến vậy?
Những ai ủng hộ chuyến thăm của nửa xanh thành Manchester cho rằng tập thể này đã rất chuyên nghiệp, ở các sự kiện chính thức trước NHM, đặc biệt trong trận đấu trên SVĐ Mỹ Đình.
Nhưng sự chuyên nghiệp của Man xanh chỉ cho thấy một điều: Họ quá cứng nhắc và khiến NHM nghĩ làm tất cả mọi thứ chỉ vì tiền – tiếng xấu đội chủ sân Etihad đã mang từ rất lâu.
Nhìn lại chuyến thăm Việt Nam của Arsenal, HLV Wenger là một chuyên gia kinh tế và CLB thành London là kẻ làm ăn có lãi bậc nhất thế giới, nên cách hành xử “chuyên nghiệp” cũng vượt xa The Citizens.
Còn nhớ khi tới Chùa một cột, khi thấy quá đông NHM Việt Nam vây quanh xe, các cầu thủ Arsenal đã lo ngại và không dám xuống. Mất vài phút, HLV Wenger đi xuống xe đầu tiên.
Ông thầy Pháp đi khá nhanh, như thể cũng e ngại điều gì đó có thể phát sinh từ đám đông. Nhưng vấn đề là ông vẫn xuống xe, mạo hiểm để thể hiện một điều gì đó. Đó là sự hòa đồng và phần nào là sự tin tưởng dành cho CĐV chủ nhà.
Vượt qua sự e ngại ban đầu, các cầu thủ Arsenal tự tin dạo bước trên đường phố Hà Nội, rất gần với NHM chủ nhà.
Còn Man City thì sao? CLB này gần như đặt sự an toàn của mình lên tuyệt đối. Tất cả những sự tiếp xúc với NHM, báo giới thậm chí là chính BTC phía Việt Nam đã mời Man City sang dải đất chữ S đều rất hạn chế.
Trong sáng 27/8, thay vì giống Arsenal, làm một vòng quanh Hà Nội bằng ô tô, Man City cũng khép kín mình. Họ không có lịch trình nào trên giấy tờ với phía chủ nhà và vì thế, cứ như thể The Citizens đang không ở Việt Nam – họ mất hút.
Rất khó để trách Man City khi làm như thế, vì nó vẫn được gán cho 2 từ “chuyên nghiệp”. Nhưng tình yêu thì không cần hiểu lý lẽ như vậy.
Khi anh đến “nhà tôi”, anh hành xử quá khuôn phép, giữ đúng “nghi lễ” là sự khách sáo, lạnh nhạt. Điều ấy, có lẽ giờ đến đứa trẻ lên 3 cũng biết về Man City, chứ không phải chuyện họ đã làm chuyên nghiệp đến như thế nào.
Pellegrini vỗ vai HLV Miura sau 1 trận đấu đầy sự chuyên nghiệp, kết thúc chuyến công tác tới Việt Nam.
Mà thực tế khi nhắc đến chữ “chuyên nghiệp”, Man City cũng chỉ là kẻ nghiệp dư. Vì xét đến cùng, họ sang Việt Nam để làm gì?
Man xanh là một CLB giàu có nên tiền kiếm được trong thương vụ này chắc chắn không phải thứ duy nhất nhắm tới (nếu chỉ như thế thì rõ là thiển cận!).
Có người nói, Man xanh sang Việt Nam lần này là để mở rộng thị trường, quảng bá tên tuổi. Nếu vậy, họ đã đạt được điều mình mong muốn?
So với hiệu ứng Arsenal đã từng đạt được khi tới Việt Nam hồi cuối năm 2013, rõ ràng Man City kém hơn rất nhiều.
CĐV Việt Nam kể cả những người không yêu thích Pháo thủ, cũng đều phải thừa nhận rằng CLB thành London quá gần gũi và hết lòng vì NHM chủ nhà.
Câu chuyện liên quan tới Running Man Vũ Xuân Tiến là ví dụ rõ nét nhất về việc HLV Wenger và các học trò đã trân trọng tình cảm của NHM Việt đến thế nào!
Arsenal chủ động cho một CĐV Việt Nam lên xe, ôm lấy Vũ Xuân Tiến mà trò chuyện.
Đó có thể chỉ là một câu chuyện thuần túy về mặt PR, nhưng nó lại thành công trên mọi khía cạnh và lấy được tình cảm của NHM chủ nhà.
Man City chẳng tạo được dấu ấn nào như thế, vì ngay cả khi có người… lăn 10 km theo xe họ, nhiều khả năng The Citizens sẽ không mở cửa đón lên, như cái cách đã lạnh nhạt những ngày qua.
Thiện chí là một sự mạo hiểm, khi bạn cần mở lòng mình với đối phương, chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra. Man City quá đề phòng sự an toàn cho mình, nên ở họ chẳng có sự thiện chí như Arsenal.
Kết quả thì sao? Arsenal chẳng mất một cọng lông nào ở Việt Nam và thu về vô số lợi ích. Nói theo một cách khác, Pháo thủ đã đầu tư sự thiện chí, để mang về rất nhiều kết quả.
Man City nổi tiếng với sự giàu có, nhưng hiếm khi nào CLB này được đánh giá cao về sự thiện chí – vốn liếng "trời cho" trong các thương vụ kinh doanh.
Thế mới nói, The Citizens tưởng chuyên nghiệp, hóa ra chỉ là kẻ nghiệp dư!