* Khi lá phiếu “nhảy múa”
Ở hội nghị BCH VFF khóa VI lần thứ 12 diễn ra hôm 15/5 vừa qua, BCH VFF đã tiến thành lấy phiếu tín nhiệm 23 ủy viên đề cử vào BCH VFF khóa VII sắp tới.
Dù chỉ có đúng 19 lá phiếu được phát ra (4 ủy viên BCH khóa VI vắng mặt) nhưng vẫn xảy ra “nhầm lẫn” nghiêm trọng khi Ban kiểm phiếu đếm nhầm số phiếu tín nhiệm giành cho Phó chủ tịch đương nhiệm VFF Lê Hùng Dũng từ 19 xuống thành 18. Đáng nói hơn là việc “bỏ sót” Ủy viên thường trực VFF khóa VI Nguyễn Nam Hùng khi ông này giành được 11/19 phiếu tín nhiệm (đủ con số quá bán để nằm trong danh sách đề cử vào BCH khóa mới).
Sự việc cỏn con và không đáng phải lo lắng, đúng như khẳng định của ông Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung với giới truyền thông. Và dù sai sót trên của Ban kiểm phiếu đã được điều chỉnh nhưng việc kiểm có 19 lá phiếu vẫn sai và câu chuyện xảy ra đúng vào cái thời điểm vô cùng nhạy cảm này khiến tất cả đều phải đặt một dấu hỏi to đùng về quyết tâm tổ chức một kỳ Đại hội VFF khóa VII công khai và minh bạch vào đầu tháng 6 tới.
Nhiều lời đàm tiếu, những cái lắc đầu ngán ngẩm đã đến sau chuyện “kiểm nhầm phiếu” của VFF. VFF công bố phiếu, VFF đã công khai điều chỉnh kết quả danh sách ứng cử viên được giới thiệu vào BCH khóa VII, nhưng nhìn về những “sự cố” liên quan đến VFF, đặc biệt trước các kỳ đại hội, dư luận hẳn có những lý do để e ngại. Người ta đã mượn lời đẩy ẩn ý rằng “lá phiếu mà biết nói năng...” để đặt dấu hỏi về những chuyện “thâm cung bí sử” của VFF.
Cuộc bầu cử VFF sắp tới còn nhiều việc cần giải quyết
* Băn khoăn chuyện nhân sự
Nhìn vào những đề cử cho các vị trí chủ chốt điều hành bóng đá Việt Nam sắp tới, dư luận đang quan tâm về chuyện nhân sự của VFF.
Cuộc đua đến những vị trí chủ chốt của VFF khóa VII tưởng chừng đang được đẩy đến giai đoạn cao trào thì có vẻ đã nguội đi rất nhiều sau khi VFF công bố danh sách 24 ứng viên BCH VFF nhiệm kỳ mới.
Ở vị trí Tổng thư ký VFF, “ghế” được dự báo gần như đã thuộc về Trần Quốc Tuấn bởi chỉ có ông Vụ trưởng thuộc Tổng cục TDTT được giới thiệu vào vị trí này. Theo nhiều nhà chuyên môn, không cần biết ông Trần Quốc Tuấn đã tự nguyện rời ghế của mình sau thất bại của U23 Việt Nam ở SEA Games 26, hay có những sức ép có thể khiến ông phải rời VFF cuối tháng 12/2011, thì việc cựu TTK VFF muốn quay về chốn cũ khiến nhiều người băn khoăn trước những gì mà ông thể hiện những năm trước.
Dư luận hiện chỉ còn chờ đợi cuộc đua tay đôi giữa Thứ trưởng Bộ VH –TT &DL Lê Khánh Hải và ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vào vị trí đặc biệt quan trọng là Chủ tịch VFF, và hy vọng cuộc đua ấy sẽ không phải chịu tác động từ bất cứ bên nào khác.
Chỉ mới tuần trước, trong buổi họp báo công bố chuyến du đấu của Arsenal tại Việt Nam vào tháng 7 tới, ông Lê Hùng Dũng với những tuyên bố mạnh mẽ rằng sẵn sàng đua tay đôi với ông Lê Khánh Hải. Sau Hội nghị BCH VFF lần thứ 12 vừa qua, ông Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính đã tiết lộ về chiếc ghế nóng ở cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam: “làm Chủ tịch VFF chẳng có gì sung sướng gì đâu, thắng thì HLV được tung hô, còn thua thì Chủ tịch VFF bị khủng bố tinh thần, lương thì bèo bọt. Áp lực kinh khủng, quyền rơm, vạ đá...”
Cùng với tuyên bố ghế chủ tịch VFF “chẳng thơm béo gì đâu”, ông Lê Hùng Dũng đã đăng đàn rằng mình sẽ sẵn sàng làm Phó cho ông Lê Khánh Hải và không “ấm ức” gì nếu thất bại trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Như vậy, dường như ông Lê Hùng Dũng có thể đã lường trước được kết cục của mình một khi Bộ muốn tăng cường nhân sự lãnh đạo ở VFF.
Nếu điều đó xảy ra, VFF liệu có thực sự là một tổ chức xã hội hóa nghề nghiệp? Quan trọng hơn, bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu với người nắm giữ vị trí chủ chốt của cả một nền bóng đá trong trạng thái miễn cưỡng và phải hai vai gánh vác công việc của cơ quan chủ quản cấp trên lẫn trọng trách ở VFF. Thành công thì không nói. Nói dại, chẳng may thất bại, câu chuyện “bị ép ngồi ghế” lại dễ thành chủ đề “mổ xẻ” của người trong cuộc lẫn dư luận.
Dẫu biết hậu trường VFF có những chuyện chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ, nhưng dư luận đang hướng về đại hội sắp tới để chờ xem những người liên quan sẽ thực hiện cam kết của mình như thế nào. Chưa đầy 1 tháng nữa, những lá phiếu của các tổ chức thành viên dự đại hội VFF khóa VII sẽ bầu ra những vị trí chủ chốt của tổ chức này trong giai đoạn mới. Người ta trông chờ và cũng hy vọng những lá phiếu này sẽ được gửi đúng địa chỉ đến những người thực sự có khả năng, tâm huyết để đưa bóng đá Việt Nam từng bước đi lên, chứ đừng “nhảy múa” như chiều 15/5 vừa qua.