Chuyện Công Vinh ngộ độc: Khi miếng ăn là…của nợ

Đức Phan |

(Soha.vn) - Sự thiếu vắng chân sút số 1 Công Vinh (do bị ngộ độc) đã không gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thi đấu của SLNA trước Đồng Tâm Long An. Dẫu vậy, sự cố bi hài kịch của chàng tiền đạo xứ Nghệ cũng để lại rất nhiều sự băn khoăn về sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam…

3 ngày trước trận đấu với Đồng Tâm Long An (tối thứ Năm), Công Vinh đã cùng một số người bạn đi thưởng thức đồ Nhật tại một nhà hàng ở TPHCM. Hậu quả là anh này đã bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến tiêu chảy và sốt cao, không đảm bảo thể lực để thi đấu ở vòng 6. Sự kiện này một lần nữa phơi bày khoảng trống về y tế cũng như những dấu hỏi về sự chuyên nghiệp của bóng đá trong nước.

Bình thường ở môi trường bóng đá nói riêng, thể thao đỉnh cao nói chung, chế độ dinh dưỡng của các vận động viên có vai trò rất quan trọng, luôn được quan tâm và giám sát ngặt nghèo. Cầu thủ buộc phải tuân theo chế độ ăn do các chuyên gia dinh dưỡng đặt ra nhằm hỗ trợ tối đa cho thành tích thi đấu. Do đó, rất khó có chuyện, các ngôi sao muốn ăn gì thì ăn để dẫn đến ngộ độc thực phẩm như trường hợp của Công Vinh.


	Bóng đá Việt vẫn chưa quản lý chuyện ăn nhậu của các cầu thủ

Bóng đá Việt vẫn chưa quản lý chuyện ăn nhậu của các cầu thủ

Càng đáng nói hơn khi đây không phải là lần đầu tiên các cầu thủ của chúng ta bị “Tào Tháo” hỏi thăm. Chẳng đâu xa, ở mùa giải năm ngoái, trận đấu giữa SLNA và SHB.Đà Nẵng ở V-League đã phải tạm hoãn do có tới 11 cầu thủ của đội khách bị ngộ độc thực phẩm do ăn “cơm bụi” trên đường hành quân vào Vinh để thi đấu. Thế mới biết, dù đã khoác lên mình cái mác chuyên nghiệp hơn 1 thập kỷ, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn còn khoảng cách quá lớn so với những quy chuẩn thông thường. Ngay cả một vấn đề sát sườn, nhu cầu hàng ngày như việc ăn-uống mà vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trở lại với vụ việc của Công Vinh, ngoài việc liên quan đến sự thiếu chuyên nghiệp về quản lý công tác dinh dưỡng của các CLB, nó cũng là minh chứng cho thấy ý thức nghề nghiệp của bản thân các cầu thủ cũng chưa cao. Tất nhiên, không ai cấm các cầu thủ có cuộc sống ngoài bóng đá. Thậm chí, các ngôi sao nước ngoài còn “đập phá” ác liệt hơn cầu thủ Việt Nam . Thế nhưng, sự khác biệt là họ biết cách chơi đúng lúc, đúng chỗ.

Thường thì những vụ đập phá diễn ra ngay sau trận đấu hoặc vào đầu tuần (nếu trận tiếp theo diễn ra vào cuối tuần). Sẽ là cấm kị nếu xả trại ăn chơi ở thời điểm gần trận đấu như chuyện của CV9. Bởi nếu có chuyện gì xảy ra chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc thi đấu. Lại càng đáng trách hơn khi Vinh còn chọn cho mình món ăn Nhật vốn gồm nhiều thứ đồ sống và rất “lạnh” bụng, càng tăng nguy cơ có vấn đề về “bụng dạ”. Lâu nay, Công Vinh vẫn nổi tiếng là cầu thủ nội có phong cách chuyên nghiệp bậc nhất. Ấy vậy mà, ngay cả viên ngọc sáng ấy vẫn chưa có được ý thức cần thiết để bảo vệ chính mình. Bởi vậy, chẳng trách được khi sự nghiệp của các cầu thủ Việt Nam thường ngắn hơn các đồng nghiệp nước ngoài khá nhiều.

Một tai nạn nho nhỏ của một cá nhân, song ẩn sau đó là những vấn đề nội tại cực lớn của cả một nền bóng đá. Do đó, có lẽ chỉ khi những câu chuyện như miếng-ăn-là-của-nợ này chấm dứt, thì bóng đá Việt Nam mới thoát khỏi cái cảnh mãi dậm chân tại chỗ trong điệp khúc xây-nhà-từ-nóc và thiếu-chuyên-nghiệp!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại