1. Năm 2011, trung vệ số một ĐT Việt Nam (vào thời điểm đó), Lê Phước Tứ, bất ngờ nhận lời đầu quân cho XMXT.SG (với tên gọi tiền thân là XT.SG), dù đội bóng này chỉ đang chơi giải hạng Nhất.
Với nhiều người, đó là một bước thụt lùi, bởi Tứ lúc đó đang là ngôi sao của ngôi sao, sau khi đàn anh Như Thành đã xuống cấp trông thấy. Nhưng cầu thủ người Quảng Nam chỉ là một trong số rất nhiều “ngôi sao của ngôi sao” tề tựu về sân Thống Nhất.
Cùng thời điểm đó, những Kesley Huỳnh Alves, Minh Đức, Đình Luật (các đương kim tuyển thủ QG khác), Nsi (Vua phá lưới giải hạng Nhất trong màu áo Quảng Ninh)… cũng đã gia nhập XMXT.SG. Cái gì không mua được bằng tiền?!
Đội bóng của bầu Thụy gần như bất chiến tự nhiên thành với suất thăng hạng V-League trong tầm tay. Đại diện bóng đá TP.HCM thừa mứa đến mức sẵn sàng nhường Đình Luật cho Hải Phòng ở lượt về mùa giải đó.
Phước Tứ (trái) sau khi về XMXT.SG đã không bao giờ trở lại đỉnh cao thêm một lần nào nữa. Ảnh: V.V
Cũng giống như trường hợp của cựu tuyển thủ U23 Việt Nam, Lê Quốc Vượng, khi chấp nhận về đầu quân cho XT.Hà Tĩnh ở giải hạng Nhì trước đó với giá 5 tỷ đồng, một trong những ưu tiên hàng đầu của cầu thủ Việt là tiền.
Vậy rõ ràng, tiền là bản chất vấn đề. Phước Tứ sau khi về sân Thống Nhất (với giá được cho là 12 tỷ đồng, một kỷ lục trên thị trường chuyển nhượng) đã không bao giờ trở lại đỉnh cao thêm một lần nào nữa.
Và Tài Em, cùng những cầu thủ còn sót lại của N.SG (đội bóng được lãnh đạo XMXT.SG mua lại sau V-League 2012) trước đây cũng không phải là ngoại lệ. Chấp nhận chơi cho XMXT.SG, những Long Giang, Việt Cường, Minh Triết… đã chìm nghỉm trong các kế hoạch sử dụng từ cấp CLB đến tầm ĐTQG.
Có lẽ Quang Hải, Antonio, Được Em, Duy Khanh (và đồng đội)…, phải thầm cảm ơn số phận đã không đưa đẩy, để họ tiếp tục gắn bó với XMXT.SG.
2. Nếu phải lấy một viện dẫn tiêu biểu cho sự đi xuống (về sự nghiệp) khi đầu quân cho XMXT.SG, đó chắc chắn phải là Tấn Trường. Năm 2007, với SEA Games 24 trên đất Thái Lan, Trường đã đứng trong hàng ngũ U23 Việt Nam.
Tất nhiên ở SEA Games 25, rồi AFF Cup 2010, Trường không thể thiếu tên. Tấn Trường cũng là người chơi đặc biệt hay ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, là người hùng của U22 Việt Nam ở giải đấu mang tên Merdeka Cup được tổ chức ở Malaysia…
Nhưng từ ít nhất 2 năm qua, kể từ khi chấp nhận ra đi để nuôi sống quê hương Đồng Tháp, Tấn Trường ở đâu trong kế hoạch sử dụng của các HLV ĐTQG?! AFF Cup 2012 là một nỗi thất vọng với tất cả, dù Trường đã có cơ hội cầm suất bắt chính.
Trước đó, AFF Cup 2010, giải đấu mà ĐT Việt Nam mang danh những người bảo vệ chiến tích, Trường mất điểm rất nhiều ở trận bán kết lượt về với Malaysia, đội sau đó đã soán ngôi vô địch…
Tất cả những gì đã xảy ra, không hẳn hoàn toàn đều là lỗi của Trường. Kết thúc V-League 2011, Trường được đề nghị chuyển nhượng với giá không dưới 10 tỷ đồng để giải cứu bóng đá Đồng Tháp trong cơn khủng hoảng tài chính, dù trước đó không lâu, anh đã gật đầu với bản hợp đồng trị giá 5 tỷ đồng với đội bóng quê hương. Có thể nói, Tấn Trường là một bi kịch của bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam.
Tại XMXT.SG, Trường đã đánh mất gần như tất cả, từ thương hiệu của một đương kim tuyển thủ, đến uy tín bấy lâu nay mà các CĐV đã gửi gắm. Rất nhiều những sai lầm nối tiếp sai lầm, khiến ngay cả những người công tâm nhất, vô tư nhất, cũng không khỏi không thắc mắc.
Nhiều người bảo, Trường đã có đôi lúc ảo tưởng, nhưng không phải. Môi trường là yếu tố mang tính quyết định, bởi có lẽ XMXT.SG đã, đang và chưa bao giờ được tổ chức giống như một đội bóng.