Tim đập, chân run, căn phòng thay đồ chỉ chừng vài mét vuông như rung chuyển, một thế giới mường tượng xuất hiện trong đầu cầu thủ. Chiến thắng sẽ ra sao? Thất bại thì thế nào? Khoảng 90 nghìn khán giả chăm chú theo từng bước chạy, cùng với đó là hàng trăm triệu người ngồi trước màn hình ti vi. Cả thế giới như xoay quanh cuộc chơi của 22 người đàn ông. Đó chính là những áp lực khủng khiếp mà các cầu thủ phải đối mặt trước những trận đánh lớn như UEFA Champions League.
Paulo Sousa, cựu cầu thủ từng cùng Dortmund vô địch Champions League tâm sự: “Trước một trận đấu quá quan trọng như vậy, mọi cầu thủ sẽ cùng thư giãn. Người thì nghe nhạc, người thì cầu nguyện. Có người lo lắng đến nỗi liên tục đi vào nhà vệ sinh. Nói chung là phải làm mọi cách để sau đó tập trung vào trận đấu”.
Đó là những thời khắc trước một trận Chung kết Champions League của các cầu thủ. Trên đôi chân họ là gánh nặng của sự kì vọng đến từ hàng triệu triệu người. Những lúc như vậy, tài năng sân cỏ dường như không còn nhiều ý nghĩa, sức mạnh thể lực không còn nhiều giá trị. Không ít cầu thủ tài năng nhưng thi đấu như gà mắc tóc. Không ít đội bóng hùng mạnh nhưng bỗng trở thành những người khổng lồ có đôi chân đất sét. Tất cả sẽ đổ ra sông ra bể nếu các cầu thủ không giữ được cái đầu lạnh.
Người ta vẫn nói đến sự lạnh lùng của người Đức hay bản lĩnh Đức. Nhưng thực chất, không có gì tự nhiên mà có. Từ lâu, người Đức luôn đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực và chính họ sớm đưa tâm lý học vào các trận bóng đá.
Cầu thủ có thể tìm nhiều nơi để chữa lành những chấn thương tâm lý. Nơi nổi bật nhất là Viện tâm lý học thể thao ở Kolodner. Ở đó, giáo sư Markus Raab là một chuyên gia hàng đầu. Ông đã làm việc với hàng trăm VĐV và như đi guốc trong bụng các cầu thủ. Ông cho biết: “Điều quan trọng là các cầu thủ phải chiến thắng được bầu không khí xung quanh, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và cũng cần phải kiểm soát được sự hưng phấn thái quá. Lời khuyên của tôi là chỉ nên nghĩ đến nhiệm vụ cụ thể được giao và thực hiện nó. Đừng vội nghỉ đến những điều to tát như chúng ta có vô địch hay không”.
Các nhà tâm lý học sẽ chỉ gặp gỡ được các cầu thủ trước trận đấu. Người trực tiếp xoay chuyển thế cờ phải là HLV nên điều mấu chốt là phải đào tạo tâm lý học cho chính HLV, họ cũng cần là những nhà tâm lý học! Ottmar Hitzfeld đã từng đưa cả Dortmund lẫn Bayern đến chức vô địch Champions League là vì ông có khả năng của một nhà tâm lý. Trận đại chiến ở Wembley có thể có tương quan lực lượng khác nhau, đẳng cấp cầu thủ khác nhau, nhưng thành bại đôi lúc không nằm ở góc độ chuyên môn mà nằm ở góc độ tâm lý. Jupp Heynckes và Jurgen Klopp, ai thật sự là nhà tâm lý học ở Wembley. Người đó sẽ có nhiều hơn cơ hội chiến thắng.