Có lẽ không nhiều NHM biết rằng, việc chia thị trường chuyển nhượng thành 2 kỳ Đông và Hè như hiện tại chính là ý tưởng của người Anh.
Vào những năm 1990, LĐBĐ Anh tiếp thu ý kiến của nhiều HLV đề xuất lên FIFA yêu cầu phân ra 2 kỳ chuyển nhượng như hiện tại.
Người Anh vào thời điểm đó cho rằng, TTCN nên được chia ra để ngăn chặn những đội bóng lắm tiền nhiều của mua cầu thủ quanh năm suốt tháng và ngăn cả những tay cò quấy rối các ngôi sao cả năm.
Tuy nhiên, chính người Anh lại đang đi ngược lại tôn chỉ của mình. Trong khi các CLB lớn thường chỉ tập trung mua người vào kỳ chuyển nhượng mùa Hè thì chính Premier League lại đang mua bán vô tội vạ ở cả chợ Đông lẫn chợ Hè.
Các chuyên gia cho rằng các đội bóng không nên vung tiền mua sắm ở thời điểm giữa mùa giải.
Theo thống kê, 10 phiên chợ Đông gần đây, người Anh đã ném vào TTCN tròn… 1 tỷ bảng, trong khi đó giải đấu về nhì mới chi ra gần 500 triệu bảng (Serie A), thậm chí La Liga mới tiêu 1/3 số tiền mà các đội bóng Anh đã tiêu trong 10 kỳ chuyển nhượng mùa Đông gần đây.
Chợ Đông 2016 cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta cần biết thêm thông tin này: Hàng loạt các website lớn ở Anh đã khởi động chiếc đồng hồ đếm ngược sớm 10 ngày trước khi chợ Đông mở cửa.
Đây chính là năm chiếc đồng hồ này đếm ngược sớm nhất (trong những năm trước thường chỉ khởi động trước 7 ngày hoặc 5 ngày).
Quá rõ để nhận ra sự háo hức của các ông lớn Premier League đối với chợ Đông năm nay.
Sau nửa đầu mùa bóng ngậm toàn trái đắng, những Chelsea, Man United, Man City đang nóng ruột tiêu tiền trong chợ Đông năm nay.
Những bản danh sách mua người đã được Man United, Chelsea công bố từ khá lâu, và trong đó xuất hiện cả những thương vụ siêu bom tấn như việc Quỷ đỏ Manchester hỏi mua Gareth Bale từ Real Madrid.
Tuy nhiên, liệu chợ Đông có mang tới cho những ông lớn này sự cứu rỗi hay lại nhấn họ chìm sâu hơn trong nỗi thất vọng?
Không đến mức được coi là một lời nguyền, nhưng Premier League thường không mấy có duyên với những món hàng đắt giá được mua ở chợ Đông.
Hẳn các CĐV vẫn nhớ những cái tên như Fernando Torres, Juan Cuadrado, Andy Carroll, Wilfried Bony, Darren Bent.
Họ đều là những cầu thủ đã chuyển hộ khẩu vào dịp phiên chợ Đông mở cửa và mẫu số chung cho tất cả đều nằm ở sự thất bại.
Theo đánh giá của báo chí Anh, trong suốt chiều dài lịch sử chuyển nhượng ở các phiên chợ Đông, người Anh mới mua được vỏn vẹn 3 cầu thủ thật sự thành công: Luis Suarez (Liverpool), và cặp Nemanja Vidic, Patrice Evra (Man United).
Torres khi chuyển sang Chelsea hồi giữa mùa được coi là một trong những bản hợp đồng tốn kém nhưng không tương xứng.
Phân tích sâu về chuyên môn, tờ Guardian cho rằng, sở dĩ có nhiều cầu thủ không thành công sau khi chuyển CLB mới vào dịp tháng 1 chính là do rất ít ngôi sao lớn có tâm lý chuyển CLB giữa mùa.
Nếu họ đang thi đấu tốt, họ sẽ có tâm lý muốn kết thúc mùa bóng với đội bóng mà họ đã giành nửa đầu mùa để tỏa sáng.
Theo logic này, những cầu thủ lớn nửa đường đứt gánh, chuyển sang CLB mới hoặc là đang có dấu hiệu sa sút phong độ (nên CLB chủ quản mới muốn bán), hoặc là đã nảy sinh mâu thuẫn với các đồng đội.
Sang một tập thể mới, làm quen với đồng đội mới, lối chơi mới, rất khó để bất kỳ cầu thủ nào có thể ngay lập tức chơi hay trong nửa còn lại của mùa bóng.
Những cạm bẫy được giăng ra trong chợ Đông sẽ thách thức sự tỉnh táo của các ông lớn Premier League.