Vụ việc ầm ĩ xảy ra tối qua: một nhà báo người Hà Lan tên Michael Abbink đột nhiên phát hiện trên trang web FIFA, tên của Messi ở phần Quả bóng vàng 2015.
Trong khi đó, trên thực tế phải tới ngày 11/1 tới, tại gala trao thưởng, chủ nhân của danh hiệu cá nhân được coi là cao quý nhất thế giới túc cầu mới được xướng lên.
Ngay lập tức, báo giới đã nhảy vào mổ xẻ thông tin này. Theo tờ báo Hà Lan, Voetbal Primeur, hình ảnh trên thực tế xuất hiện trên trang của European Sports Media (ESM), đơn vị thường xuyên tổ chức các lễ trao giải.
Tuy nhiên đơn vị này đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên và cho rằng hình ảnh đó đã xuất hiện từ tháng 11/2015 khi Messi nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2015.
FIFA cũng chính thức lên tiếng phủ nhận thông tin rò rỉ danh hiệu Quả bóng Vàng 2015.
Năm 2014, Cris Ronaldo là người đoạt QBV FIFA. Tuy nhiên sau đó, cầu thủ này vướng 1 loạt sự cố từ cuộc sống riêng đến trong sự nghiệp và sa sút khá nhiều.
Ngay cả Messi trong năm 2015 cũng không thật sự xuất sắc. Có giai đoạn, chính Neymar mới là linh hồn của Barca chứ không phải M10.
FIFA cũng rất nhanh bác bỏ thông tin có việc rò rỉ chủ nhân Quả bóng Vàng.
Nhưng theo tờ Le Parisien (Pháp), đằng sau sự việc này là cả một “âm mưu truyền thông” của FIFA nhằm thu hút sự chú ý của công luận về danh hiệu Quả bóng Vàng đang ngày một xuống giá.
“Quả bóng vàng ngày càng xuống giá sau khi hợp nhất với FIFA. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài gương mặt nhận danh hiệu này không Messi thì cũng là Ronaldo.
Giờ đây người ta ít quan tâm đến giải thưởng này nữa”, Le Parisien viết.
Tờ báo này cũng so sánh danh hiệu Quả bóng vàng chẳng khác nào cuộc thi Hoa hậu thế giới với sự cố trao nhầm vương miện hy hữu cách đây hơn 1 tháng ở Mỹ.
“Đó là những cuộc thi mất giá. Họ phải tìm mọi cách để thu hút sự chú ý. Và vụ rò rỉ này cũng nằm trong tính toán của FIFA như một chiêu PR rẻ tiền”.
Messi bị FIFA đem ra làm trò PR rẻ tiền?
Dễ hiểu vì sao báo chí Pháp không hề tỏ ra thiện cảm với FIFA. Đặc biệt khi danh hiệu được coi là uy tín của họ, Ballon d’Or, do tờ báo danh tiếng France Football sáng lập bị “cưỡng bức” sáp nhập với giải cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA từ năm 2010.
Theo giới chuyên môn, trước kia giải Ballon d’Or được đánh giá cao về độ chuẩn xác của những phiếu bầu khi toàn do những nhà báo nổi tiếng thể thao bầu chọn.
Từ năm 2010, đối tượng người bình chọn được mở rộng thêm các HLV và đội trưởng ĐTQG nên năm nào cũng có những phiếu bầu “ngộ nghĩnh” kiểu HLV đội Lào bầu cho cầu thủ người Lào là xuất sắc nhất thế giới.
Messi bị dẫm lên chân trong trận đấu gặp Espanyol