Chiến binh uống thuốc giảm đau, “đá chết bỏ” vì ĐT Việt Nam

Nam Hoành |

Trước trận đấu với Đài Bắc (Trung Hoa), Đình Hoàng đã phải uống thuốc giảm đau để vào sân. Mới đây nhất, hậu vệ cánh phải của ĐTVN cũng đã nén cơn đau ở gót chân để đối đầu Iraq.

“Hạnh phúc là được tận hiến”

Đấy là câu chuyện được các bác sĩ ĐT Việt Nam kể lại với chúng tôi. Chỉ ít giờ, trước trận đấu với Đài Bắc (TQ), Đình Hoàng bị cơn đau ở gối hành hạ.

Tất cả đã nghĩ tới viễn cảnh Hoàng “me” phải ngồi ngoài, điều này cũng có nghĩa, những toan tính về nhân sự có thể đổ vỡ phút chót.

Một cuộc gặp giữa HLV Hữu Thắng và Đình Hoàng đã diễn ra sau đó. Chiến lược gia người Nghệ An hỏi cậu học trò cưng của mình: “Cậu ổn chứ, có chơi được không, đừng cố nhé, còn cả một chặng đường dài lắm?”.

Hoàng ngồi lẳng lặng nghĩ suy, bỗng chốc anh đáp lời người thầy khả kính và cũng là người mà anh thường gọi bằng cái tên “chú Thắng”, rằng: “Nếu chú cho cháu ra sân, cháu đá chiến được, chú cứ yên tâm!”

Hữu Thắng mỉm cười vì không ngờ “cậu cháu” của mình lại máu và sẵn sàng xung trận đến như thế.

Màn trình diễn của Đình Hoàng và Quế Ngọc Hải trước Đài Bắc (Trung Hoa).

Đến đây, Hoàng xin phép về phòng, anh lẳng lặng gặp bác sĩ và xin được tư vấn. Cuối cùng, cảm thấy khá ổn, hậu vệ cánh phải của ĐT Việt Nam đã uống một liều thuốc giảm đau để ra sân.

Buổi tối trên Mỹ Đình, Đình Hoàng với một cái băng trăng toát trên đầu gối có trận đấu thăng hoa. Chính anh là người nhận đường chuyền của Quế Ngọc Hải rồi căng ngang để Văn Toàn nâng tỷ số 2-1 cho ĐT Việt Nam.

Ngồi trên cabin, Hữu Thắng vui sướng nhảy cẫng lên vì nó giống như một pha phối hợp trong sách giáo khoa bóng đá.

Sau trận, chúng tôi nói với Đình Hoàng: “Anh cũng liều thật!”. Hoàng chỉ nhoẻn miệng cười: “Có gì đâu, được cống hiến, phụng sự cho đội tuyển thì sao phải đánh đổi, cầu toàn chứ”.

Cựu HLV HAGL
Graechen
“Có lẽ cậu ta là một trong những hậu vệ phải hay nhất V-League hiện nay. Thật xui xẻo cho người phải đối đầu với Hoàng, vì cậu ấy quá toàn diện”.

Đây rồi, Quang Thanh “đệ nhị”

“Anh Quang Thanh chẳng khác nào Cafu của Việt Nam, anh lên công về thủ đều tốt.

Đặc biệt anh Quang Thanh vừa có thể chơi mềm mại kỹ thuật, vừa có thể đá rắn mỗi lúc cần thiết…”, Đình Hoàng thổ lộ về cựu tuyển thủ Quang Thanh, người mà anh rất mê mẩn và hâm mộ.

Đời thừa & khát vọng thể hiện bản ngã

Tài năng của Đình Hoàng đã được công nhận nhưng dưới triều đại của HLV Toshiya Miura, hậu vệ này giống như một “đời thừa”.

Trong hai năm dẫn dắt ĐT Việt Nam, ông thầy người Nhật gần như không ngó ngàng tới Đình Hoàng.

Năm 2014, Hoàng “me” đã được gọi lên ĐT Việt Nam, đấy là thời điểm hậu vệ này tập tốt, khát khao cống hiến nhưng rồi anh đã bị gạch tên trong đội hình tham dự AFF Cup.

“Tôi đã bị sốc thật sự, vì bản thân tự đánh giá là hoàn thành tốt mọi giáo án được đưa ra và có thể đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của ông ấy. Thế nhưng, đời không như mơ, tôi đã bị loại.

Ngày về buồn lắm, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong khi mà lần đầu được gọi lên đội tuyển lại chia tay đầy thất vọng như thế”, Đình Hoàng nhớ lại.

Sau đó nữa, tại vòng loại World Cup 2018 gặp Thái Lan, Đình Hoàng tiếp tục được triệu tập nhưng dường như anh lên tuyển chỉ là ngồi cho… đủ mâm.

“Tôi không biết nữa, với tôi, ở SLNA, chú Thắng là một tượng đài. Thế hệ chúng tôi luôn quý trọng và xem chú ấy như một thần tượng.

Nó bắt đầu bằng tinh thần chơi bóng, đã vào sân thì phải chơi tận hiến, chạy cho đến khi không thể”, Đình Hoàng nói về Hữu Thắng với giọng lâng lâng tự hào.

Người ta vẫn biết HLV Hữu Thắng sống rất “mã thượng” điều đó giúp ông “thu phục nhân tâm” với rất nhiều thế hệ cầu thủ ở SLNA, trong đó có Đình Hoàng.

Và bây giờ đội tuyển đang có cái “chất lửa” ấy, điều mà người ta vẫn đợi sẽ giúp bóng đá Việt Nam kéo sang một bản lề mới sau những năm phải vừa đi vừa dò đường.

Món quà tặng mẹ

Ai đã đưa Đình Hoàng đến với bóng đá? Người đó chính là mẹ của anh.

Hoàng chia sẻ: “thuở nhỏ, nghiện lắm, nhà nghèo mà mẹ vẫn dành dụm mua cho con trai trái bóng cao su. Cứ mỗi lần thấy tôi đá bóng, mẹ len lẻn đứng nhìn.

Thấy tôi ghi bàn mẹ cười hạnh phúc! Tôi nhớ mãi những hình ảnh ấy và luôn mang nó trong tim để mỗi lúc khó khăn lấy đó làm động lực phấn đấu”.

Năm 13 tuổi, chính mẹ đã đưa Hoàng xuống Vinh để xin vào lò SLNA trong một buổi chiều mưa. Và cậu bé nhút nhát, cứ bám lấy gấu quần của mẹ ngày nào giờ đã là một tuyển thủ, là một chiến binh cừ khôi.

“Lớn hơn một chút khi ngồi trước màn hình ti vi, coi các chú, các anh chơi bóng, tôi tự nhủ một ngày nào mình cũng phải được như thế để bố mẹ mình cũng được vui.

Giấc mơ đã có thật, bố mẹ tôi chắc vui và tự hào lắm. Với tôi, đời người chẳng còn gì hạnh phúc hơn thế!”, Đình Hoàng như một cậu bé khi nhắc tới gia đình nhỏ của mình.

Đúng thế, hai trận đấu đã qua nếu ngồi trước màn hình cùng những người hàng xóm đáng kính, có lẽ mẹ Đình Hoàng hãnh diện về con trai mình lắm lắm.

Vâng, bóng đá có những ngôn ngữ không thể diễn tả bằng lời, có khi đó là sự kết nối và thăng hoa từ những sợ dây tình thầy trò, của tình đồng đồng đội và có khi của mẹ và con trai…

Đình Hoàng thăng hoa nhờ có những điều giản dị ấy và đấy là điều rất đáng trân trọng trong thời buổi bóng đá vị kim tiền!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại