Với việc áp dụng công nghệ điện tử (Mắt Diều Hâu hoặc Vạch vôi điện tử và nhiều công nghệ khác nữa như theo dõi băng quay chậm...) vào bóng đá, FIFA kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa những vụ tranh cãi về việc trái bóng đá đi qua vạch gôn hay chưa. Như thế, sẽ có sự công bằng tiến gần tới tuyệt đối hơn trong những trận cầu nóng bỏng.
Nhưng vấn đề đáng nói là liệu những tín đồ túc cầu giáo có thật sự cần tính công bằng đi tới tuyệt đối trong trò chơi vốn cần nhiều sôi động và thăng hoa? Nên biết chính những tình huống gây tranh cãi đã tạo nên nhiệt huyết cho các trận đấu bóng đá. Sự căng thẳng từ các tình huống “nhập nhằng” khiến niềm đam mê trở nên bất tận.
Pha dứt điểm của Lampard đưa bóng đi qua vạch gôn tuyển Đức tại VCK World Cup 2010 nhưng không được công nhận
Trước mỗi trận đấu, người ta vẫn thường nói đến hai từ “duyên nợ” của các đối thủ. Và chính “duyên nợ” khiến một trận cầu được chú ý nhiều hơn, các CĐV trở nên “máu lửa” hơn và cầu thủ thì quyết tâm hơn. Chẳng phải các tình huống gây tranh cãi là một trong những yếu tố tạo nên “duyên nợ” nhiều nhất đó sao?
Như tại Mexico 1986, Maradona ghi bàn thắng bằng tay vào lưới tuyển Anh. Bàn thắng này góp phần quan trọng giúp Argentina loại Tam Sư khỏi ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Vì một tình huống tranh cãi, tuyển Anh và những NHM đội bóng này ngậm ngùi tiếc nuối, căm phẫn cho tới tận hôm nay.
Nhưng Maradona nói riêng và toàn bộ những ai yêu thích Argentina nói chung thì vui sướng hân hoan. Cho tới thời điểm hiện tại, thậm chí NHM thế giới túc cầu còn nghiễm nhiên công nhận bàn thắng đó là một tuyệt phẩm, một dấu ấn trong lịch sử bóng đá với danh xưng "Bàn tay của Chúa". Những lần đối đầu sau đó của 2 đội tuyển nhận được sự chú ý đặc biệt từ giới mộ điệu trên toàn thế giới. Trước mỗi lần tái ngộ, người ta bàn tán xôn xao để rồi theo dõi từ đầu đến cuối cuộc hội ngộ và lại tiếp tục tranh cãi sau trận đấu.
Pha ghi bàn kinh điển bằng tay của Cậu bé Vàng
Có thể nói, thế giới túc cầu đã trở nên hấp dẫn hơn, sôi động hơn rất nhiều nhờ các tình huống tranh cãi như ghi bàn bằng tay, phạm lỗi hay không phạm lỗi trong vùng cấm địa, bóng đã vào gôn hay chưa…
Sẽ có người nói sự công bằng là cần thiết trong một cuộc đấu thể thao với những nỗ lực, quyết tâm của cả 2 đội. Nhưng ở góc nhìn từ NHM, nếu mọi thứ đều đã rạch ròi, những điều còn đọng lại sau một trận cầu đỉnh cao sẽ ít đi đáng kể.
NHM cần gì khi tới xem một trận đấu bóng đá? Có người nói chỉ cần tới sân, tận hưởng không khí náo nhiệt, sôi động trên các khán đài đã đủ vui rồi. Vậy thì, đừng giết chết tính sôi động của bóng đá bằng việc giết chết những tranh cãi.
Chẳng phải các trọng tài đã, đang và vẫn được đào tạo, nỗ lực hết sức để đảm bảo tính công bằng cho các trận đấu đó sao. Nhưng trong thế giới, tất cả đều có tính tương đối. Như khi thưởng thức một món ăn, đa phần mọi người đều không ai muốn gặp phải vị đắng. Nhưng có những món đặc biệt lại cần đến chính vị đắng đó để làm nên hương vị đặc biệt.
Bóng đá cũng thế, cần những tranh cãi từ các tình huống “nhập nhằng” để tạo thêm hương vị và dư vị. FIFA, xin hãy cứ để bóng đá là trò chơi nguyên thủy, của con người tạo ra và để con người tận hưởng!
Trong khi FIFA muốn áp dụng công nghệ điện tử vào việc xác định bóng đã qua vạch gôn hay chưa thì chính chủ tịch UEFA, Michel Platini lại phản đối ý định này. Michel Platini cho rằng việc áp dụng các công nghệ nói trên quá hoang phí.
“Để áp dụng công nghệ này vào các trận đấu, chúng ta cần chi 50 triệu Euro cho 5 năm. Số tiền đó dùng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển bóng đá thì có ích hơn. 10 triệu Euro chỉ dùng để xác định một hay hai bàn thắng trong một năm là quá tốn kém. Như vậy, để có một bàn thắng chúng ta phải chi quá nhiều tiền", Michel Platini