Cách đây chưa lâu, tòa án ở Cairo đã tuyên án tử hình cho 21 CĐV được xem là chủ mưu trong vụ bạo loạn ở sân Port Said diễn ra năm ngoái khiến cho 74 người thiệt mạng và gần 1000 người bị thương.
Và đến hôm nay, một phiên tòa khác được mở ra để truy cứu trách nhiệm của các nhân viên an ninh trực tiếp tham gia vào việc trấn áp các đối tượng nổi loạn. Theo đó có 7/9 nhân viên cảnh sát được xử trắng án. Điều này đã tạo nên cơn phẫn nộ cho các CĐV của Al-Ahly. Họ đã xông vào đập phá và đốt luôn trụ sở LĐBĐ Ai Cập để phản đối quyết định trên.
NHM đã mong chờ một bản án đích đáng dành cho những người trực tiếp liên quan
Họ bắt đầu nổi loạn vì phán quyết có phần thiếu công bằng của tòa án Cairo
Những CĐV họ yêu cầu một mức án nặng hơn đối với các nhân viên cảnh sát, không thể chấp nhận việc 21 CĐV phải chịu tử hình trong khi phần lớn những người thuộc lực lượng an ninh được tha bổng.
Theo như bản án được công bố thì có hai sĩ quan cảnh sát cấp cao bị phạt án 15 năm tù giam, bảy người còn lại được xử trắng án.
Trong số những người bị phạt tù cũng có Giám đốc an ninh của thành phố, Thiếu tướng Essam Samak. Ông là quan chức phải chịu trách nhiệm truy cứu đầu tiên trong vụ việc đáng tiếc nêu trên, Samak bị phạt 15 năm tù giam.
Bên cạnh đó, tòa án Cairo cũng bị kết án thêm năm người nữa phải ngồi tù với mức án từ 1 cho đến 15 năm và 28 người khác được xử trắng án.
LĐBĐ của Ai Cập đã bị đốt phá
Cuộc nổi loạn diễn ra ngay sau khi tòa án Cairo tuyên án đã khiến cho thành phố Suez Canal rơi vào cảnh hỗn loạn. Có khoảng 40 người đã thiệt mạng sau lần tuyên án đầu tiên được công bố trước đó vào ngày 26/1, trong đó có nhiều người bị cảnh sát bắn. Còn vụ bạo loạn gần đây nhất thì vẫn chưa thống kê được thiệt hại.
Vụ việc này như một lần nữa khiến người ta nhớ lại thảm kịch diễn ra vào tháng hai năm ngoái khi trận đấu giữa Al-Masry và Al-Ahly kết thúc. Khi có có khoảng 13000 CĐV đội nhà, có người cầm theo gậy sắt, dao phay và nhiều vũ khí khác lao vào tấn công 1200 CĐV bên phía Al-Ahly.
Nhà chức trách đã tắt hết đèn trên SVĐ khiến cho mọi thứ càng trở nên hỗn loạn. Mọi người giẫm đạp lên nhau để chạy ra cửa thoát hiểm, cũng có người bị ném từ trên khán đài xuống hoặc bị đánh chết ngay tại sân… Đó là một thảm họa tồi tệ nhất của bóng đá Ai Cập.