Cụ thể hơn là con bọ chét ấy giờ đây chỉ còn nhảy đến độ cao kịch trần của chiếc hộp, bất chấp năng lực thực tế của nó có thể nhảy cao hơn thế rất nhiều. Nguyên nhân là do trong thời gian bị nhốt trong chiếc hộp, con bọ chét đã bị ám ảnh bởi rất nhiều lần bị đụng vào trần cái hộp. Để rồi chính nó sau này mặc định rằng đấy là độ cao tối đa mà nó có thể vươn tới, kể cả khi đã được thả ra ngoài.
Sự ám ảnh ấy không chỉ đúng với những loài động vật bậc thấp như bọ chét, mà ngay cả với loài người nó cũng có nguyên giá trị. Đặc biệt là ở thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Xét cho cùng, sự kị giơ hay cái dớp cũng là một hình thức của sự ám ảnh. Vì thua đối thủ hoặc dừng bước ở cột mốc nhất định quá nhiều mà người ta tự kỷ ám thị rằng: mình-chỉ-có-thể-làm-được- đến-thế, rồi bị sự sợ hãi, tâm lý đè nặng mỗi khi phải rơi vào tình cảnh như thế nên chẳng thể phát tiết hết khả năng của bản thân.
Bóng đá Đức đã vượt qua được nỗi ám ảnh
Một trong những ví dụ nổi tiếng về sự ám ảnh trong bóng đá chính là phát biểu chua chát của huyền thoại Gary Lineker của ĐT Anh: “Bóng đá là một trò chơi đơn giản, 22 người tranh nhau 1 quả bóng trong 90 phút. Nhưng cuối cùng chiến thắng luôn là người Đức”. Tại sao lại như vậy? Đơn giản bởi khi ấy ĐT Anh của Lineker dù cố gắng thế nào cũng phải ôm hận trước người Đức: họ đã thua các trận đấu trong 90 phút, rồi thua cả trên chấm 11m trong sự bất lực.
Người Đức từng gieo rắc nỗi ám ảnh cho Gary Lineker và các đồng đội. Thế nhưng, hiện tại chính họ cũng lại đang bị ám ảnh bởi những thất bại ngưỡng cửa thiên đường. Trong cuộc cách mạng của mình, người Đức đã để lại nhiều dấu ấn cũng như nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Song tất cả những điều đó đều trở nên vô nghĩa khi họ cứ mãi lạc lối trong hành trình đi đến tận cùng khám phá trên đấu trường quốc tế.
Ở cấp CLB, Bayern Munich đã thất bại ở 2/3 trận CK Champions League trong 3 năm qua. Ở cấp ĐTQG thì Mannschaft đã chịu cảnh về nhì ở Euro 2008, rồi 3 lần về ba ở World Cup 2006, World Cup 2010 và Euro 2012. Những thất bại dồn dập và liên tiếp ấy ám ảnh người Đức đến mức họ đã lo ngại thế hệ hiện tại sẽ lại trở thành những Michael Ballack mới (tức là chỉ có thể vô địch hụt). Thậm chí, giới chuyên môn Đức còn từng phải đặt vấn đề là tiếp tục cuộc cách mạng về lối chơi hay lại quay lại với phong cách truyền thống.
Trong bối cảnh ấy, trận CK Champions League năm nay chính là liều thuốc cho người Đức. Sẽ chẳng còn nỗi ám ảnh nào nữa. Đơn giản bởi, tuy phải ngày 26/5 trận đấu ở Wembley mới diễn ra, nhưng ngay từ lúc này người ta đã có thể khẳng định chiếc Cup sẽ thuộc về người Đức.
Dù chiến thắng thuộc về Bayern Munich hay Dortmund thì nó cũng sẽ là cột mốc chấm dứt nối sợ hãi về việc chuyên gục ngã trước ngưỡng cửa vinh quang đang đeo bám cả một nền bóng đá. Và khi sự ám ảnh được giải phóng, rất có thể một kỷ nguyên thành công mới của người Đức sẽ chính thức được mở ra…