Cao nhân Thiếu Lâm đất Việt chuyên ám sát trong đêm

Thiên Hà |

Nói tới những cao thủ Thiếu Lâm nổi danh nhất tại làng võ nước nhà, có lẽ người đầu tiên cần nhắc là cố đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh – Chưởng môn Võ lâm chánh tông Việt Nam.

“Sát thủ” chuyên hành hiệp trượng nghĩa

Ở khắp vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long từng lưu truyền rất nhiều giai thoại xung quanh Thiện Tâm Thiền Sư Đoàn Tâm Ảnh.

Sau khi “cày nát” nhiều võ đài khắp miền Nam và cả nước ngoài (như Thái Lan, Hồng Kông...), Đoàn Tâm Ảnh được giới võ lâm ca ngợi là “thiên hạ đệ nhất cao thủ”.

Nhưng đặc biệt nhất về các giai thoại xung quanh Đoàn Tâm Ảnh không phải là những trận đấu đá trên võ đài, mà lại ở những lần hành hiệp trượng nghĩa với vai trò một “hiệp khách sát thủ”.

Người có võ công cao cường ấy đã từng ám sát rất nhiều tên quan lại bán nước cầu vinh, hay những tên ác ôn, chuyên hà hiếp dân lành.

Một môn đệ là cao đồ của phái Võ Lâm chánh tông từng kể lại rằng: Cứ đêm xuống, giữa lúc mọi người đang yên giấc thì sáng hôm sau tỉnh dậy thể nào cũng nghe nơi này hoặc nơi kia xảy ra chuyện.

Đó là một tên gian ác hay tên quan tham bị giết trong đêm. Sau khi tiêu diệt những tên ác ôn vô lại, vị hiệp khách bao giờ cũng để lại dấu vết là chữ ký của mình với hình một ngôi sao năm cánh.


Cố đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh.

Cố đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh.

Sau nhiều phi vụ, Đoàn Tâm Ảnh khiến thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước cứ nơm nớp lo sợ. Chúng bắt bớ nhiều dân lành để tra hỏi hung thủ nhưng không ai biết người hành hiệp trượng nghĩa đó là ai.

Có nhiều tên đã cảnh giác khi thuê lính tráng canh gác cẩn mật, cho xây nhà cửa kín cổng, cao tường. Tuy nhiên, khi đã chọn mục tiêu thì cứ như từ dưới đất chui lên, dù kiểu gì hiệp khách vẫn lấy mạng chúng như chơi, không để lộ tung tích.

Sau nhiều năm, nhiều tên tham quan, bán nước bị thủ tiêu khiến bọn thực dân ngày càng hoang mang, còn nhân dân thì hoan hỉ và trong mắt họ, vị hiệp khách thực sự trở thành một người hùng.

Không chỉ vậy, làng võ còn lưu truyền rằng Đoàn Tâm Ảnh đã thành lập nhóm Sao Trắng cùng những nghĩa sĩ gan dạ. Nhóm này cũng đã làm cho bọn thực dân và bè lũ tay sai nhiều lần kinh hồn, bạt vía.

“Bí kíp” võ công trị giá... hơn 200 cây vàng

Trong số 12 đại đồ đệ của lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh, nổi bật có võ sư Băng Sơn (hiện là Chưởng môn phái Thiếu Lâm phật gia).

Theo lời kể của người đại đồ đệ này, lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh luôn quý mến nhưng cũng cực kỳ nghiêm khắc đối với các học trò.

Vị đại sư phụ đã từng đưa ra cho đệ tử Băng Sơn một điều kiện rằng, các bài mà thầy dạy ngày hôm trước, hôm sau phải tinh thông cho kỳ được. Nếu không làm được như thế thì đại sư sẽ không dạy nữa.

Chỉ ít lâu theo đại sư Đoàn Tâm Ảnh, võ sư Băng Sơn đã lãnh hội được toàn bộ Thập bát chưởng công, võ công cơ bản của Côn Luân Bắc phái.

Sau quãng thời gian tầm sư học đạo, người đệ tử đã chia tay thầy Đoàn Tâm Ảnh ra ngoài Bắc lập nghiệp. Mãi tới năm 1991, nhân Đại hội Võ thuật toàn quốc lần thứ nhất, vị đại sư phụ cũng có dịp ra Hà Nội.

Cố đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh thi triển bài côn.
Cố đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh thi triển bài côn.

Tái ngộ nhau, hai thầy trò cùng mừng khôn siết. Trong lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã trao cho đệ tử một cuốn cẩm nang bí kíp võ công.

Đây là cuốn sách ghi lại đầy đủ những bí kíp võ công đỉnh cao của môn phái Côn Luân, do đại sư tự tay mình chép lại.

Cuốn sách này được võ lâm giang hồ thời đó xem như một vật quý. Thậm chí, đã có rất nhiều nhà xuất bản đến gặp đại sư Đoàn Tâm Ảnh thuyết phục để mua lại bản thảo với số tiền khổng lồ.

Riêng nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn đã trả cho đại sư 200 cây vàng nhưng lão võ sư vẫn không chịu bán, với lý do: “Sách quý, không bán được. Nhưng gặp ai, thấy thích, tôi sẽ tặng ngay!”

Có lẽ do yêu mến và cũng vì cái “duyên” nên đại sư phụ Đoàn Tâm Ảnh đã tặng lại cuốn bí kíp đặc biệt này cho đại đồ đệ Băng Sơn.

Người “nâng tầm” võ Thiếu Lâm

Thiền sư – đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh (tên thật là Tô Văn), biệt danh Sáu nhỏ sinh năm 1900 tại Chợ Lớn - Sài Gòn.

Thuở nhỏ do thể chất yếu ớt và thường hay bị bệnh tật nên cha mẹ đã gửi ông cho Mộc Đức Thiền Sư (một cao đồ Thiếu Lâm người Hoa lưu lạc tại Việt Nam) thâu nhận làm đệ tử với mong muốn rèn luyện võ nghệ, tăng cường sức khỏe.

Thấy Tô Văn nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát lại có năng khiếu về võ học, Mộc Đức Thiền Sư hết lòng quý mến truyền dạy võ nghệ cho cậu.

Năm 1913, hai thầy trò khăn gói sang Trung Quốc để trau dồi võ nghệ. Từ đây, cậu bé Tô Văn được các hòa thượng trong chùa Phi Lai Tự thâu nhận.

Tại đây, Tô Văn được các sư phụ dạy cách thiền định và võ học của Thiếu Lâm Bắc phái như: Côn Luân, Cửu ngũ tam vương, Xà quyền.

Chân dung huyền thoại võ thuật Đoàn Tâm Ảnh.
Chân dung huyền thoại võ thuật Đoàn Tâm Ảnh.

Ngoài ra ông được truyền dạy cả những tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Nam phái.

Sau 11 năm, Tô Văn hồi hương, đổi tên hiệu thành Thiện Tâm Thiền Sư Đoàn Tâm Ảnh.

Từ bộ căn bản “Thất thập nhị huyền công” (72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm Tự), “Thập bát La Hán thế” bao gồm 18 chiêu thức chiến đấu; “La Hán thần công” (18 chiêu thức tuyệt kỹ) đều được Tô Văn đón nhận, say mê luyện tập.

Khi đã lĩnh hội được hầu hết những tinh hoa của Thiếu Lâm, Tô Văn vận dụng “Thất thập nhị huyền công”, 18 thế quyền La Hán kết hợp với quyền của bên Bắc phái sáng chế ra 18 bài quyền, (Bài thấp nhất có 21 thức chính, bài dài nhất có 73 thức chính).

Trong 18 bài quyền này ông lấy “Thất thập nhị huyền công” làm căn bản, lấy “Thập bát chưởng công”, “Lục bộ thần công” để ghép đan xen vào thành 18 bài quyền theo thức tự từ thấp lên cao.

Riêng bộ La Hán thần công ông để vào chương trình thượng đẳng và đặt tên cho môn võ này là môn “Võ Lâm chánh tông thập bát La Hán quyền”.

Sau khi chính thức mở võ đường Võ lâm chánh tông (năm 1954), Đoàn Tâm Ảnh tiếp tục thành lập Tổng hội Võ lâm Việt Nam tại Cần Thơ.

Bằng uy danh của mình, lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh ngày càng thu hút rất đông các đệ tử từ khắp các nơi. Ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ võ sư, huấn luyện viên tài năng.

Đoàn Tâm Ảnh cũng là người có công lớn soạn thảo bộ Thất thập nhị huyền công và Thập bát La Hán quyền. Hai bộ này được cho là có thể giúp người luyện võ đạt tới đỉnh cao công phu.

Ngoài hai bộ “bí kíp” quý giá trên thì cố võ sư Đoàn Tâm Ảnh còn để lại nhiều chiêu thức độc đáo khác như: Chu long song kiếm, Tru tiên song chùy, Thập nhị xà quyền, Tam tinh quyền...

Nhưng đặc biệt và nổi danh nhất có lẽ là những bộ thần công còn được truyền đến ngày nay như: Thập bát chưởng công (18 phép đánh chưởng); Thất thập nhị huyệt công (72 cách tấn công vào huyệt đạo)...

Ngày 03/11/2008, lão Thiền sư Đoàn Tâm Ảnh tạ thế, đại thượng thọ 109 tuổi. Ông mất đi để lại cho các thế hệ sau một kho tàng tài liệu về võ thuật.

Nói về cách thức tập võ, Đoàn Tâm Ảnh từng nhấn mạnh: “Phải luôn luôn hình dung mình đang chiến đấu với một người khổng lồ và mỗi đòn thế được tung ra là nhắm một mục tiêu rõ rệt để tấn công hoặc chống đỡ với đối thủ”.

Cố đại võ sư Trần Công (chưởng môn Không Động), lão võ sư Trần Hưng Quang (tức Quang “ốc”, Chưởng môn Bình Định Gia)… đều đặc biệt ngưỡng mộ võ nghệ cũng như nhân cách của đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh.

Tất cả đều đồng quan điểm rằng Đoàn Tâm Ảnh không chỉ là một huyền thoại của võ thuật Việt Nam mà nhiều môn sinh của các môn phái khác trên thế giới đều nể phục khi nhắc tới tên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại