Ở các ngôi trường thể thao tại Trung Quốc, những môn như cử tạ, vật, judo, thể dục dụng cụ... đều thiếu thốn nguồn tài năng triển vọng bởi lẽ giờ đây, các bậc phụ huynh thường lựa chọn bóng bàn, cầu lông, tennis để bồi dưỡng con em mình. Dù vậy, tại một ngôi trường thể thao ở địa cấp thị Long Nham thuộc tỉnh Phúc Kiến, cái nôi của những nhà vô địch môn cử tạ, vẫn có một nhóm thiếu niên mang trong mình chí phấn đấu của người Long Nham kiên trì tập luyện mỗi ngày...
Quay trở lại Olympics 2004 tại Athens, thời điểm VĐV Thạch Trí Dũng đoạt giải quán quân môn cử tạ nam hạng cân 62 kg, đây là HCV đầu tiên của Long Nham. Đến Olympics 2008 tại Bắc Kinh, nền thể thao ở Long Nham chạm đến đỉnh cao với Lâm Đan, Trương Tương Tường, Hà Văn Na chia nhau đoạt HCV cầu lông đơn nam, cử tạ nam hạng cân 62 kg và nhảy bạt nữ, đưa Long Nham trở thành địa cấp thị giành nhiều HCV nhất cả nước.
Lúc đầu bố mẹ Thạch Trí Dũng không cho con trai luyện cử tạ, sợ ảnh hưởng đến chiều cao và chuyện học hành của con. HLV Chu Nhật Bình (trong ảnh) phải năm lần bảy lượt giải thích: “Chiều cao phụ thuộc vào di truyền từ bố mẹ, luyện cử tạ chỉ ảnh hưởng hình thể, giúp thân thể tráng kiện và cơ bắp lực lưỡng hơn”. Năm 1993, Thạch Trí Dũng đoạt giải quán quân tỉnh, sau đó là vô địch cả nước, vô địch thế giới, vô địch Olympics.
Năm 1998, Chu Nhật Bình rời khỏi đội tuyển Phúc Kiến, ông đến Long Nham đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên cử tạ. Trên thực tế, Chu Nhật Bình chính là huấn luyện viên khai sáng cho 2 quán quân Olympics Thạch Trí Dũng và Trương Tương Tường. Hiện tại, dưới tay ông có tổng cộng 12 học viên, 9 nam 3 nữ, lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi.
Cơ sở vật chất bên trong lò dạy cử tạ.
Người vùng núi sở hữu thân thể linh hoạt, chịu cực chịu khó. Dựa theo đặc điểm của nhân tài nơi đây, Long Nham chọn cử tạ, cầu lông và thể dục làm điểm đột phá.
Cậu bé này có tên Lâm Bình Vũ, người Chương Châu, bố mẹ đi làm ở Long Nham. Thời gian luyện tập cử tạ của Lâm Bình Vũ chưa được bao lâu, nhưng Chu Nhật Bình tin rằng cậu bé chính là một mầm non tốt. Mặc dù chỉ mới 9 tuổi nhưng Lâm Bình Vũ đã có thể nâng 35 kg.
“Học viên nhỏ tuổi luyện tập cần được huấn luyện viên bảo vệ. Mầm non tốt không thể bị thương, cử tạ càng không được đốt cháy giai đoạn, luyện tập căn bản là chính. Theo tuổi tác tăng dần, năng lực sẽ tự động đi lên. Nếu trạng thái của học viên đủ tốt, tôi sẽ cho thử tạ 37,5 kg, nặng nhất là 40 kg”, HLV Chu Nhật Bình nói.
Vị HLV này cũng gặp khó khăn trong việc chọn lựa nhân tài. “Bây giờ chọn mầm non rất khó, trẻ con luyện cử tạ, thông thường hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn. Trước kia điều kiện kém, nguồn tài năng rất dồi dào. Bây giờ điều kiện tốt, trẻ con luyện cử tạ ít hơn nhiều. Cho dù hoàn cảnh gia đình không tốt, bố mẹ cũng không đồng ý cho con luyện cử tạ. Bây giờ đa số học viên trong đội đều có bố mẹ làm việc tại Long Nham.”
Diệp Thắng Phỉ, 9 tuổi, người ở thị xã Vĩnh An, hiện đang học tiểu học, đã từng tham gia giải thành phố, bố là nhân viên kiểm xe hệ thống đường sắt. Da ngăm đen, tóc ngắn, gương mặt rắn rỏi, ít ai nghĩ rằng đây chính là một... cô bé.
Thạch Trí Dũng và Trương Tương Tường chính là thần tượng của cô nhóc. “Mùa hè năm ngoái, bọn họ từng đến thăm huấn luyện viên Chu, con ở đằng xa nhìn trộm mấy lần, vốn định xin chữ ký của bọn họ, nhưng mà đông người quá nên không dám lên”, Diệp Thắng Phỉ ngượng ngùng nói.
Ký túc xá có 4 người, cô bé là người nhỏ tuổi nhất. Diệp Thắng Phỉ nói, lúc mình 4 tuổi từng kéo một cái rương vô cùng nặng đi trên đường, đúng lúc bị chị gái của Chu Nhật Bình bắt gặp, bởi vì cảm thấy cô nhóc là mầm non tốt của môn cử tạ nên đề cử cho Chu Nhật Bình. Tuy Diệp Thắng Phỉ cho rằng mình am hiểu nhảy múa hơn, cũng từng làm đội trưởng đội nhảy múa, nhưng cuối cùng cô nhóc vẫn bị bố đưa đến Long Nham luyện cử tạ.
Phòng ốc nhỏ hẹp chật chội, đồ dùng hàng ngày vứt lung tung. Trên bàn cô nhóc là một quyển truyện tranh “Thâu Tinh Cửu Nguyệt Thiên”. Diệp Thắng Phỉ nói mình thích vẽ tranh nhất, nhưng thành tích tốt nhất của cô nhóc là môn số học và thể dục, số học lần nào cũng 90 điểm trở lên, tốc độ chạy bộ nhanh nhất lớp. Lúc vừa tới Long Nham, cô nhóc không thích ứng được. Bố Diệp Thắng Phỉ ở lại với con gái hai tháng, bây giờ bố mẹ một tuần đến thăm một lần, mỗi lần sẽ mang theo loại kẹo mà cô bé thích ăn nhất. Khi nào nhớ bố mẹ, Diệp Thắng Phỉ sẽ gọi điện thoại.
Theo lời hiệu trưởng Quách Tiệp của trường thể thao không chuyên tại Long Nham, so với những thành phố khác ở Phúc Kiến, tài lực của Long Nham có hạn. Tổng cộng có 500 học viên, học viên đến từ vùng khác ở lại trường, học viên địa phương thì ở nhà. Thời gian luyện tập cũng có hạn, do học viên còn phải đi học tại các trường tiểu học và trung học nội trú. Để không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, nhà trường không cho phép học viên về sớm trước giờ tan học.
Phí ăn uống của học sinh mới tới là 25 yuan (~ 87 nghìn đồng) mỗi ngày, sau khi được xếp bậc, mỗi ngày chỉ cần trả 4 yuan (~ 14 nghìn đồng). Nếu như thành tích nổi trội hơn mọi người, tiền ăn uống sẽ miễn phí.
Sau bữa cơm chiều, học viên nhỏ tuổi sẽ ở ký túc xá nghỉ ngơi, làm bài tập về nhà, học viên lớn tuổi hơn có thể tự học đến tối, mỗi đêm ở trường thể thao đều có thầy giáo đi điểm danh.
Bên cạnh bồn nước trên lầu 1, mấy cô nhóc đang giặt quần áo. Nhiếp ảnh gia đến gần muốn chụp vài tấm, mấy cô nhóc vội vàng tránh né, hét lên, “Có gì đẹp đâu mà chụp”!
Các cô nhóc chỉ khoảng 11-12 tuổi, có bố mẹ là nhân viên làm theo giờ hoặc công nhân dệt tre.
Phóng viên hỏi các cô nhóc có thích luyện cử tạ không, một cô gái lí nhí nói “em không thích”, mấy cô nhóc khác kéo vạt áo bạn mình, nhỏ giọng nhắc nhở: “Cậu phải nói thích chứ!”...