Trong chiến lược này, người đứng đầu Chính phủ thậm chí yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu đề xuất thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá hoặc dự báo tỷ số để tạo nguồn thu, phục vụ triển khai các dự án của chiến lược.
Nhớ hồi đại diện Ladbrokes, có mặt trong một hội thảo về cá cược bóng đá tại Việt Nam, đưa ra con số lợi nhuận, tới 517,4 triệu USD, những người làm bóng đá Việt Nam đã không khỏi giật mình.
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thậm chí đã mơ tới một tương lai xán lạn về tiền và thành tích “theo đề án đặt cược bóng đá đã trình Chính phủ thì chỉ sau 4 năm tổ chức đặt cược bóng đá, chúng ta đã có thể thu lợi hơn 4 triệu USD, đến năm thứ 15 lợi nhuận thu được sẽ hơn 100 triệu USD. Với số tiền lợi nhuận khổng lồ này, chúng ta có thể đầu tư mạnh vào bóng đá với mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào tốp 10 châu Á”.
Nhưng giống y như mại dâm, cá độ bóng đá chưa bao giờ có thể dẹp bỏ dù cơ quan quản lý có muốn hay không. Và rào cản duy nhất để hoạt động mang lại doanh thu “tỷ đô” này, thật ngạc nhiên, nằm trong mấy chữ “tính chất nhạy cảm”.
Nhưng với cái gật đầu của Chính phủ, 8 năm sau khi mấy từ “cá cược bóng đá” được đề xuất, nguồn ngoại tệ “hàng tỷ USD” của “hàng triệu người” mỗi năm- như thừa nhận của Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Hồ Sỹ Tiến, sẽ bớt chảy hết vào các sòng bạc của những “thần bài” ngoại quốc.
Thế là 3 năm sau khi dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược cho phép thí điểm loại hình đặt cược bóng đá tại Việt Nam (được Bộ Tài chính xin ý kiến Chính phủ xây dựng từ tháng 11.2010), loại hình, chẳng khác gì xổ số, thứ mà dân vẫn gọi là “cờ bạc có môn bài”, đã nhận được đèn xanh.
Và hình như, cái gật đầu của Chính phủ đã cho thấy, ít nhất trong những vấn đề thuộc về tệ nạn, một vấn đề cũ rích, “xưa như trái đất”, xã hội đã có một cách nhìn nhận ít thủ cựu hơn.