Bóng hồng thể dục dụng cụ Việt Nam tuyển người yêu

Hoàng Minh |

Phan Thị Hà Thanh chia sẻ, một nửa của cô không cần quá cao và đẹp trai, chỉ giản dị là thật lòng yêu thương, sẵn sàng chia sẻ vui buồn cuộc sống với nữ VĐV hàng đầu của môn TDDC.

Xuất hiện trong chương trình Bữa trưa vui vẻ phát sóng trên VTV ngày 1/7, Hà Thanh “bật mí” chuyện tình cảm của cô:

“Theo nghiệp TDDC từ năm 6 tuổi, việc luyện tập và thi đấu gần như chiếm trọn toàn bộ thời gian của tôi. Nên bây giờ (24 tuổi - PV), tôi vẫn chưa có người yêu”.

Khi được MC của chương trình đặt câu hỏi về nhu cầu tuyển “gấu”, Hà Thanh nhí nhảnh hướng về ống kính: “Chào các bạn! Mình đang có nhu cầu tuyển người yêu.

Tiêu chí của mình rất đơn giản, không cần quá đẹp trai và quá cao vì sẽ mỏi cổ khi ngước nhìn. Với Hà Thanh, chỉ cần yêu thương thật lòng và sẵn sàng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống là đủ”.

Hà Thanh (giữa) mang về cho TTVN 3 HCV, 1 HCĐ tại SEA Games 28.

Hà Thanh (giữa) mang về cho TTVN 3 HCV, 1 HCĐ tại SEA Games 28.

Câu chuyện vui của nữ VĐV vừa mang về 3 tấm HCV, 1 HCĐ tại SEA Games 28 cũng phần nào nói lên sự vất vả của nghề nghiệp cô theo đuổi.

Gắn bó với TDDC từ năm lên 6, tuổi thơ của Hà Thanh không giống với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cô gái người Hải Phòng phải xa gia đình từ nhỏ, mỗi ngày dành 7-8 giờ luyện tập, sau đó là những chuyến tập huấn, thi đấu quanh năm.

TDDC là môn thể thao rất khắc nghiệt, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nhưng tuổi nghề của VĐV thường rất ngắn. Trước năm 16 tuổi, các VĐV đã phải hoàn thiện những kỹ năng cơ bản và tham gia tranh tài ở các giải trẻ.

Sau đó, họ bước ngay vào thi đấu đỉnh cao. “Mình năm nay 24 tuổi, đã có thể xếp vào nhóm cận già”, Hà Thanh tâm sự.

Hơn 15 năm theo nghiệp TDDC, khó kể hết gian truân cô gái người Hải Phòng đã trải qua.

Từ chuyện nhỏ như bữa ăn hàng ngày, Hà Thanh cho biết mỗi bữa cô chỉ được phép ăn nửa bát cơm để duy trì vóc dáng thanh mảnh theo yêu cầu của nghề nghiệp.

Thế nên, ở độ tuổi 24 với chiều cao 1,57 m, nữ VĐV sinh năm 1991 chỉ nặng vỏn vẹn 47 kg.

Cho đến chuyện lớn như những chấn thương thường xuyên hành hạ, bàn tay của Hà Thanh giờ “không thể xem bói” vì bị bào mòn hết lớp da bên ngoài sau quá trình luyện tập xà.

Trước ngày tham dự SEA Games 28, đầu gối cô bị tràn dịch nhiều lúc không thể bước đi nhưng vẫn phải tiêm thuốc giảm đau để thi đấu.

“Nhiều lúc, tôi đã khóc rất nhiều và muốn dừng lại”, Hà Thanh tâm sự.

Phía sau hình ảnh đầy nghị lực và mạnh mẽ của cô gái người Hải Phòng trên sàn đấu là một Hà Thanh cũng có lúc mềm yếu như mọi người con gái khác.

Để có được thành công, Hà Thanh đã trải qua nhiều khoảnh khắc

Để có được thành công, Hà Thanh đã phải đánh đổi rất nhiều.

Tuy vậy, điều khiến Hà Thanh không cho phép cô gục ngã là tấm gương hy sinh của nhiều thế hệ VĐV đi trước.

“Trong đội, anh Phước Hưng từng dính nhiều chấn thương nặng, anh Ngọc Cường thi đấu khi vẫn còn một chiếc đinh trong người sau phẫu thuật.

Nhưng họ vẫn vượt qua tất cả để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nên tôi tự nhủ những gì mình trải qua chỉ là chuyện nhỏ”, chia sẻ của Hà Thanh khiến khán giả cảm thấy xúc động khi hiểu thêm về nỗi vất vả, gian truân của các VĐV thể thao.

Nỗ lực không mệt mỏi và sự hy sinh của Hà Thanh đã được đền đáp bằng hàng loạt thành tích ở các giải quốc tế.

Nữ VĐV người Hải Phòng được ví là "Cô gái vàng" của TDDC Việt Nam. Trình độ của Hà Thanh, theo đánh giá chung, đạt đến đẳng cấp của những VĐV hàng đầu châu lục và thế giới.

Với thành tích xuất sắc tại SEA Games 28, Hà Thanh đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì. Mục tiêu hàng đầu của cô thời gian tới là giành vé tham dự Olympic Brazil 2016.

Những bài thi của Hà Thanh có độ khó rất cao. Cô gần như không có đối thủ ở khu vực trong các nội dung sở trường.

Những bài thi của Hà Thanh có độ khó rất cao. Cô gần như không có đối thủ trong khu vực ở các nội dung sở trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại