Với những nỗ lực và cả chiến thắng đầu tay của U17 Học viện HA.GL Arsenal JMG ở lần đầu tiên tham dự một giải đấu chính thức sao lại nói là chuyện buồn? Và việc các ĐT Việt Nam thua chẳng thể nói là chuyện vui được. Nhưng, tất cả những điều đó phần nào cho chúng ta một cái nhìn thật công tâm, sáng suốt.
1. Bắt đầu bằng trận thua 0 – 1 của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc ở Mong Kok. Bằng những phân tích chuyên môn, sự đảm bảo của nguồn thông tin và cả quan điểm không chủ quan trước khi trận đấu diễn ra, rất nhiều người tin rằng, ĐT Việt Nam sẽ có một chiến thắng, thậm chí là thắng dễ, trước một Hong Kong chưa định hình được lối chơi mang hơi hướng đẳng cấp và từng là “bại quân” của chúng ta cách đây không lâu. Nhưng, tất cả đã bé cái nhầm.
ĐT Việt Nam (trái) gần như không còn cơ hội đi tiếp tại vòng loại Asian Cup 2015. Ảnh: V.S.I
Ở Mong Kok, trong khi Hong Kong chơi thứ bóng đá đơn giản, nếu không muốn nói là chờ thời, cầu may thì các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc đã công khai tham vọng giành 3 điểm ngay sau tiếng còi khai cuộc. Họ giành giật từng mét vuông mặt cỏ trước một đối thủ được đánh giá là dồi dào thể lực và sức mạnh tranh chấp. Dù thất bại chung cuộc nhưng không bao giờ được phép phủ nhận những nỗ lực không mệt mỏi của ĐT Việt Nam trên đất bạn.
Cũng gần giống như trận thua của U17 Học viện HA.GL Arsenal JMG tại tứ kết Sanix Cup (dù là thua trên chấm phạt đền), ĐT Việt Nam ở Mong Kok có chút thiếu may mắn. Nếu chúng ta giải quyết sớm hơn và tốt hơn các tình huống bóng có thể dẫn tới bàn thắng, hẳn đã khác nhiều rồi. Tuy nhiên, bóng đá là thành tích và một trận đấu gói gọn trong 90 phút. Đã đành! Việc chểnh mảng trong khâu phòng ngự ở những phút cuối cùng, khiến ĐT Việt Nam thất trận.
Lại nói hàng phòng ngự lỏng lẻo và thiếu những mảnh ghép đủ tin tưởng, Thể thao&Văn hóa cũng đã từng đề cập. HLV Hoàng Văn Phúc cố xây cao bức tường chắn trước cầu môn đội nhà bằng việc dùng Bửu Ngọc, cầu thủ được cho là cao nhất trên sân Mong Kok, cũng bằng thừa khi Ngọc quá non, lại ít nhận được sự hỗ trợ.
2. Cần nhắc lại rằng, việc cử U17 Học viện HA.GL Arsenal JMG tham dự Sanix Cup, cũng là vạn bất đắc dĩ. Với bản chất là “diễn viên đóng thế”, nên dù thua chung cuộc, thì tính ra họ cũng chẳng có gì để mất cả, nếu không muốn nói là được rất nhiều. Năng lực đào tạo và cạnh tranh của Học viện HA.GL Arsenal JMG như thế nào, có lẽ là chuyện riêng của bầu Đức.
Tuy nhiên, ở tầm ĐTQG, với sân chơi châu lục như các trận đấu vòng loại Asian Cup 2015 lại là một khái niệm hoàn toàn khác. Nên nhớ, HLV Hoàng Văn Phúc cũng chỉ trong vai người đóng thế, với nhiệm vụ tạm quyền dẫn dắt ĐT Việt Nam ở ít nhất 2 trận đấu (với UAE và Hong Kong), còn xong xuôi, ông có thể về lại với công việc cũ ở CLB Hà Nội. Ông Phúc vì thế cũng chẳng mất gì, ngược lại còn được những trải nghiệm huấn luyện ở tầm ĐTQG.
Ông Phúc, với trường phái huấn luyện, làm chiến thuật chuẩn bị trận đấu và sử dụng con người, có thể xem là phiên bản của đàn anh Phan Thanh Hùng. Trước và trong khi nhận nhiệm vụ, người ta kỳ vọng Hoàng Văn Phúc sẽ viết nốt phần còn lại của cuộc cách mạng lối chơi của ĐT Việt Nam mà người tiền nhiệm để lại, thậm chí là gửi gắm. Với 2 phép thử (UAE và Hong Kong), chúng ta đã thấy phần nào những giới hạn rồi, mà không cần đi xa hơn nữa!
Suy cho cùng, việc U17 Học viện HA.GL Arsenal JMG và ĐT Việt Nam phải dừng lại ở các sân chơi quá tầm, chẳng có gì phải buồn cả. Bởi nếu vô tình được trao cơ hội dấn sâu, dễ nảy sinh tâm lý tự mãn.