Bóng chuyền nữ và nỗi buồn Asiad 2014

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn của người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam đã bày tỏ sự buồn lòng khi Tổng cục TDTT quyết định không cử các cô gái chân dài tham gia Asiad 2014.

Sở dĩ rất nhiều người buồn vì bóng chuyền là món được ưa thích chỉ đứng sau bóng đá ở Việt Nam. Hơn nữa, bóng chuyền thì nữ lại ăn đứt nam, khi nhiều năm nay các cô gái đã thi đấu rất ổn định ở vị trí thứ hai của làng bóng chuyền Đông Nam Á.

Giải thích cho việc không đưa đội nữ đến Hàn Quốc dự Asiad 2014, ông Trần Đức Phấn - Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền VN và cũng là tân Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - giải thích với báo chí rằng: “Tình hình kinh tế năm 2014 như thế nào thì ai cũng có thể thấy, chúng ta không thể đầu tư dàn trải.

Chỉ riêng môn bóng chuyền nếu dự giải thì sẽ phải cử đi khoảng 40 người (cả hai đội nam và nữ), trong khi trình độ của chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước khác. Chưa kể, đội nữ đang trong giai đoạn trẻ hóa, nếu cố gắng tham dự cũng rất khó khăn về mọi mặt, thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về sau”.

Nhiều người, trong đó có chúng tôi, đã không thông được với cách lý giải của ông Phấn. Không thông chỗ nào?

Thứ nhất, chẳng phải chỉ mỗi mình bóng chuyền có trình độ không thể cạnh tranh được với các nước khác. Cụ thể, không lẽ bóng đá nam và nữ đủ trình độ cạnh tranh huy chương? Đoàn Việt Nam dự kiến tham dự 18 môn, với 200 VĐV và chỉ tiêu đặt ra là 2 - 3HCV. Một chỉ tiêu thấp như vậy nhưng cũng được cho là khá cao, khi cách đây 4 năm chỉ có được 1HCV ở môn karatedo. Vậy thì rõ ràng cái tỷ lệ cạnh tranh huy chương với các nước là hết sức thấp.

Thứ hai, có một điều mà ai cũng biết, đó là không phải môn thể thao nào cũng giống nhau. Vẫn biết VĐV nào thì cũng nỗ lực như nhau trong tập luyện, thi đấu; nhưng sức hút thì hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, những môn như bắn súng, taekwondo, karatedo, judo, cử tạ, TDDC, vật, bắn cung, đấu kiếm, đua thuyền, boxing nữ, cầu mây, wushu... thì làm sao sánh được với bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, quần vợt, cầu lông? Đáng tiếc thay, cơ quan quản lý thể thao Việt Nam vì không đủ sức nâng cao trình độ cho những môn thể thao mà người dân yêu thích, thế là họ chọn cái cách hết sức tiêu cực: gạt bỏ!

Thứ ba, nói về chuyện tiết kiệm để lý giải cho việc để bóng chuyền nữ ở nhà, chúng tôi có thể chỉ ra hàng loạt món tiêu xài không hề tiết kiệm chút nào của ngành thể thao.

Thứ tư, không dám leo núi thì làm sao chinh phục được đỉnh cao? Ông Phấn bảo rằng bóng chuyền nữ đang trẻ hóa, còn khó khăn; thế không lẽ đợi già mới tung đi hay sao? Cách đây không lâu, đội hình trẻ hóa này đã thi đấu tưng bừng tại Cúp VTV và đoạt chức vô địch khi hạ đội trẻ Thái Lan ở chung kết. Khi ấy, chính các quan chức bóng chuyền ca ngợi hết lời kia mà...

Thật buồn cho các cô gái chân dài chơi bóng chuyền và cũng thật thất vọng với quan điểm của quan chức ngành thể thao!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại