Đại đao là loại binh khí đặc biệt với nhiều môn võ cổ truyền Việt Nam, được kế thừa từ lịch sử của dân tộc.
Đại Long Đao của triều Mạc nặng ngang đao Quan Vũ
Vào năm 1938, thanh Đại Long Đao (còn được gọi là Định Nam Đao) của vương triều nhà Mạc (thế kỷ 15-16) đã được phát hiện sau nhiều thế kỷ bị chôn vùi trong lòng đất.
Năm 1986, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Quang đã tìm hiểu hậu duệ Vương triều Mạc trên đất Hà Nam Ninh cũ. Khi tiếp xúc với thanh Đại Long Đao, ông vô cùng phấn khích và đã tiến hành cân, đo, thu thập tài liệu để nghiên cứu về “báu vật” này.
Trong quá trình nghiên cứu, ông Quang đã bất ngờ phát hiện ra một sự thật có thể khiến nhiều người kinh ngạc đó là thanh Đại Long Đao bảo vật có trên 500 năm tuổi, là một trong những thanh đao nặng nhất thế giới.
Thanh Long đao này dài tới 2,55m với cán đao bằng sắt rỗng dài 1,60m, lưỡi dài 0,95m. Mặc dù bị han rỉ và sứt mẻ nhưng vẫn giữ được hình dáng khá nguyên vẹn.
Cây đao với trọng lượng 25kg và ước tính khi chưa bị han gỉ có thể nặng tới hơn 30kg.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Đại Long đao của Vương triều Mạc hoàn toàn có thể nặng tương đương với Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ.
Theo các tài liệu thu thập thì cây Đại Long đao này được cho là của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung, 1483-1541).
Đáng chú ý, đây là một cây đao hoàn toàn có thật thay vì mang tính chất truyền thuyết giống “báu vật” của Quan Vũ. Hiện tại cây Đại Long đao của vương triều Mạc đang được lưu thờ tại khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng).
Và “báu vật” này càng có giá trị hơn bởi theo các nhà sử học, hiện ở châu Á chỉ còn hai cây đại đao được lưu thờ là vật thái bảo, gồm thanh Long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống (Triệu Khuông Dẫn) và thanh Đại Long Đao của Mạc Thái Tổ.
Có nhiều đánh giá khẳng định thanh đao của Mạc Đăng Dung nặng hơn thanh long đao của Triệu Khuông Dẫn.
Đây cũng chính là binh khí duy nhất của một danh tướng cũng như một vị vua dưới thời phong kiến Việt Nam vẫn còn lưu lại đến ngày nay.
Cây Đại Long Đao này có một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao (trông như thể đầu rồng đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao).
Theo các nhà khảo cổ, đây là một vũ khí phi thường mà không nhiều người học võ có thể sử dụng được.
Trong lịch sử, Mạc Đăng Dung cũng xuất thân là võ quan.
Ông được cho có sức khỏe và võ nghệ hơn người, đặc biệt với cây đại đao của mình, Mạc Đăng Dung đã đánh Nam dẹp Bắc, trở thành một tên tuổi lớn trong lịch sử nước nhà.
Kỹ thuật Đại đao trong võ cổ truyền Việt Nam
Ngày nay trong rất nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam trong đó có võ Bình Định vẫn lưu truyền nhiều bài Đại đao, thường được tổ chức thi đấu biểu diễn trong các cuộc thi võ thuật.
Hiện trong võ Bình Định cũng có bài Lôi Long đao với 66 chiêu thức rất nổi tiếng, bài Đại đao xung thiên (được cho là do chính Nguyễn Huệ sáng tạo) được quy định chính thức bởi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Trong môn Vovinam cũng có bài Nhật Nguyệt đại đao rất mạnh mẽ và đẹp mắt…
Nhìn chung, kỹ thuật sử dụng đao phần lớn hai tay phải cầm chắc lấy đao mà tấn công, phòng thủ. Đao pháp khá đa dạng nhưng chủ yếu có chém, bổ, miết, khều, xoay, gác, kéo, đẩy…
Đặc biệt, do tính chất dài và nặng của đại đao nên những người tập loại binh khí này bắt buộc phải có nền tảng thể lực tốt với sức bền dẻo dai.
Ô Long Đao huyền bí của hoàng đế Quang Trung
Theo sử sách, hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-1792) luôn gắn liền với thanh Ô long đao đầy huyền bí.
Nguyễn Huệ là người có võ công cao cường. Nhờ thân vóc mạnh mẽ, nên ông chuyên về sử dụng đao ngoài những môn võ khác.
Vào năm Tân Mão (1771), Nguyễn Huệ được giao trọng trách tổ chức và huấn luyện quân sự cho nghĩa binh. Hằng ngày lo luyện tập cho binh sĩ các môn: côn, quyền, đao, kiếm, bắn cung, cỡi ngựa, ghép thành đội ngũ.
Trong các môn võ đó thì Nguyễn Huệ tinh thông sử dụng đại đao hơn cả. Theo sách Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao có ghi lại thời Tây Sơn, sự nghiệp của Nguyễn Huệ luôn gắn với cây Ô Long Đao huyền thoại.
Cho tới nay, do không còn hiện vật nên những gì mô tả về cây Ô Long Đao này mang nặng tính truyền thuyết.
Chuyện kể rằng vào một buổi sáng sớm khi Nguyễn Huệ dẫn đoàn quân đến đoạn đèo An Khê, bỗng có hai con rắn rất lớn, nước da đen tuyền (sách gọi là ô long - rắn đen như mun, to lớn như rồng) chắn ngang đường.
Nghĩa quân ùn lại, rối hàng ngũ vì không dám bước tiếp. Nguyễn Huệ đến xem sự thể, ông bước xuống ngựa chắp tay khấn rắn:
“Nếu Sơn thần, Xà thần phù trợ cho việc làm chính nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, biết trước sự thành công thì xin Xà thần mở đường cho quân đi, còn sự nghiệp không thành, thì xin Xà thần hãy trị tội mình tôi, để nghĩa sĩ trở về với gia đình, đồng ruộng”.
Lời khấn của Nguyễn Huệ vừa xong, cả hai con rắn to kia quay đầu. Quãng sau, một con lao vào bụi rậm, lúc trở ra miệng ngậm một thanh Ô Long Đao sáng như nước, vươn cổ trao cho Nguyễn Huệ.
Thanh đao có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao cũng bằng một loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra một vùng khá rộng.
Lưỡi đao thì sắc bén vô cùng, trọng lượng thì rất nặng, phải một người vác mới nổi.
Về sau, cây Ô Long Đao này đã cùng với Nguyễn Huệ tạo nên nhiều chiến công hiển hách như chiến thắng trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785) hay cuộc chiến chống quân Thanh xâm lược năm Kỷ Dậu (1789)…
Đáng tiếc là trong những tài liệu ghi chép về cuộc đời vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã không có ghi chép cụ thể về các chiêu thức võ thuật khi sử dụng Ô Long Đao.
Các chiêu thức cụ thể ra sao, vận dụng như thế nào, đều vẫn là ẩn số chưa có lời giải.
Bài Siêu xung thiên (tương truyền do Nguyễn Huệ sáng tạo) do một võ sư Bình Định thi triển