Bi hài bóng đá Việt: VPF lãi, CLB thì... phá sản

Đang có một sự dị thường "không hề nhẹ" trong bóng đá Việt.

Giấc mơ màu hồng của VPF

Cách đây đúng 2 năm, ngày 4.11.2011, tại đại hội thường niên, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã buộc phải thừa nhận đề án thành lập VPF.

Bản đề án khá công phu này do ông bầu Nguyễn Đức Kiên chấp bút soạn thảo và gần như ngay lập tức được ông chủ của ít nhất 6 CLB ký đồng thuận. Mặc dù cố gắng viện dẫn ra những trở ngại, nhưng dưới áp lực dư luận, VFF không còn cách nào khác là chấp nhận ủng hộ vô điều kiện đề án.

Theo đề án, VPF được xây dựng để điều hành tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp tại VN, thành lập dựa trên các thành viên của giải V-League 2012 và VFF với vốn điều lệ 30 tỉ đồng.

Trong đó, mỗi CLB V.League góp 1,17 tỉ đồng (tương đương 117.000 cổ phần), hạng Nhất góp vốn 300 triệu. VFF góp vốn 10,62 tỉ đồng (tương đương 1.062.000 cổ phần) chiếm 34,5%. Trong đó, ông Lê Hùng Dũng đại diện 462.000 cổ phần (chiếm 15,4%), ông Phạm Ngọc Viễn và ông Trần Quốc Tuấn - mỗi người đại diện 300.000 cổ phần (tương đương 10%).

 	VPF đang làm ăn có lãi

VPF đang làm ăn có lãi

Bầu Kiên đã khá tự tin khi nói rằng: “Anh Đức (Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức - PV) có nói nhỏ với tôi hay để anh tài trợ toàn bộ. Thực ra, thu nhập của anh Đức một năm là ba-bốn nghìn tỉ đồng thì việc bỏ ra vài chục tỉ là việc đơn giản và nếu anh Đức không làm thì tôi cũng làm. Nhưng tôi muốn rằng khi công ty này ra đời, nó phải hoạt động thật vì lợi nhuận, lấy bóng đá nuôi bóng đá”.

Căn cứ vào điều lệ của VFF, niềm tin của bầu Kiên là khá lớn khi VPF có tới 9 lĩnh vực kinh doanh, gồm: “Tổ chức điều hành các giải chuyên nghiệp, hoạt động các CLB, sản xuất dụng cụ thể thao, bán lẻ các dụng cụ thể thao, đại lý môi giới...”. Thậm chí thời điểm đó, các CLB đã tính chuyện “chia cổ tức” thế nào.

Trên thực tế, theo báo cáo tài chính sau 2 mùa bóng 2012 và 2013, đúng là VPF đã có lãi. Năm 2012, VPF thu 74.585.581.141 đồng, chi 63.427.254.728 đồng, lãi hơn 11 tỉ. Năm 2013, VPF thu 89.085.709.090 đồng, chi 86.295.113.970, lãi 2,79 tỉ.

Lẽ ra, năm 2013, VPF đã lãi khủng hơn rất nhiều so với con số khiêm tốn 2,79 tỉ nếu không có những khoản bội chi 18 tỉ cho tiền thưởng và hỗ trợ di chuyển cho các CLB, cộng thêm những khoản bộ chi lớn như mua thời lượng phát sóng quảng cáo cho các nhà tài trợ và bảo trợ (14,629 tỉ), chi phí quản lý hành chính (9,926 tỉ, nhiều hơn năm 2012 là 2,25 tỉ). Tham vọng của VPF là đạt lợi nhuận 34,4 tỉ đồng trong năm 2014.

Nhưng CLB thông báo… phá sản

Nghịch lý là, lẽ ra VPF làm ăn có lãi thì các cổ đông phải “sống khỏe”, nhưng thực tế thì ngược lại. Trái ngược với tương lai màu hồng mà bầu Kiên vẽ ra trong đề án thành lập VPF phát biểu tại hội nghị thường niên 2011, V.League đang trong giai đoạn có nguy cơ đổ vỡ.

Chỉ trong 2 năm, đã có tới 8 CLB giải thể hoặc bị đóng cửa vì thiếu kinh phí là HPHN, Navibank Sài Gòn, K.Khánh Hòa, CLB Bóng đá Hà Nội, CLB trẻ Hà Nội, XMXT Sài Gòn và hai CLB mới nhất là K.Kiên Giang, Bình Định.

Trong các CLB này, HPHN, Navibank Sài Gòn, K.Khánh Hòa là do các chủ đầu tư không muốn tiếp tục làm bóng đá và bán suất V-League. Còn CLB Bóng đá Hà Nội, CLB trẻ Hà Nội đóng cửa do bầu Kiên bị bắt, XMXT Sài Gòn bỏ V-League do bị trừ điểm (trong bối cảnh chính doanh nghiệp Xuân Thành cũng đã “ngán” bóng đá).

 	V-League sẽ đi về đâu?

V-League sẽ đi về đâu?

Còn K.Kiên Giang ngập trong nợ nần - hiện nợ các cầu thủ khoảng 7 tỉ đồng và không có khả năng chi trả. Việc không đăng ký V.League coi như như đội này phải xuống chơi hạng ba. Bình Định dù có công văn xin “hoãn binh” tới 6.11, nhưng cũng có nguy cơ “phá sản”.

Trước mắt, V-League 2014 chỉ có 13 đội thi đấu, sẽ nảy sinh rất nhiều phức tạp. Còn hạng Nhất chỉ có 8 CLB, thay vì lúc đông vui nhất lên tới 14 CLB...

Niềm tin vào VPF lúc này bị lung lay khá dữ dội, cho dù nó vẫn là công ty có lãi...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại